Bình Định: Dịch vụ xe ba gác vận chuyển qua điểm ngập nước giá 30 nghìn đồng/lượt

11/11/2020 19:35 GMT+7
Nước lũ ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đang dần rút, nhưng nhiều khu vực thấp trũng vẫn còn ngập sâu. Vì vậy, dịch vụ xe ba gác vận chuyển xe máy, người dân qua điểm ngập đang rất đông khách.

Ngày 11/11, do ảnh hưởng của bão số 12, tại tỉnh Bình Định có mưa kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng rất lớn, khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh.

Nước lũ chia cắt nhiều khu dân cư ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP.Quy Nhơn). Tuyến đường Hùng Vương và nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 19 qua địa bàn TP.Quy Nhơn ngập sâu từ 0,5 - 1m, giao thông bị chia cắt. Người dân đi lại buộc phải tăng bo qua điểm ngập bằng dịch vụ xe ba gác.

Tại đường Hùng Vương (TP.Quy Nhơn), có hơn 5 chiếc xe ba gác làm dịch vụ vận chuyển xe máy và người qua điểm ngập. Tùy theo đoạn đường, chở mỗi chiếc xe máy vượt qua điểm ngập, tài xế xe ba gác sẽ lấy 20.000 - 30.000 đồng/lượt tiền thù lao.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 1.

Tuyến đường Hùng Vương ở TP.Quy Nhơn nhiều đoạn bị ngập sâu.

"Với xe ba gác này, hàng ngày tôi vận chuyển đồ đạc thuê, ai gọi thì tôi đi. Mỗi năm, cứ dịp mưa lũ thì tranh thủ mang xe ra đoạn đường ngập, nơi xe máy không thể qua được vừa để mưu sinh, vừa để giúp người dân", ông Nguyễn Vương (tài xế lái xe ba gác) chia sẻ.

Theo các tài xế, xe ba gác thường ngày chỉ chở hàng hóa nhưng do mưa lũ nên vận dụng chuyển sang chở người và xe. Họ chỉ lấy tiền người lớn và xe, còn sinh viên, người già không có tiền… nên cho quá giang.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 2.

Dịch vụ xe ba gác tăng bo chở người dân qua vùng ngập.

Bà Nguyễn Thị Vân (ở huyện Phù Cát) cùng chồng vào TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có công việc gấp nhưng chẳng may gặp đoạn đường bị ngập nước lũ, xe máy không thể lưu thông.

"Lũ lụt, ngập đường nên thường có việc gấp, quan trọng thì người dân mới đi lại. Nếu di chuyển qua đoạn đường bị ngập, chắc chắn xe máy sẽ bẩn và có nguy cơ hư hỏng, hơn nữa lại không an toàn nên chúng tôi đành chịu mất tiền cho xe ba gác chở. Ngồi xe ba gác tôi cảm giác an toàn hơn khi qua nước lũ, nghề này của các lái xe ba gác cũng khá vất vả", chị Vân nói.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 3.

Vất vả đưa xe máy lên thùng xe ba gác.

Ông Ngô Hoàng Nam - Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, một số khu vực của phường Nhơn Phú vẫn đang bị ngập nặng, có khoảng 500 hộ dân bị ảnh hưởng.

"Trong ngày hôm nay địa phương sẽ kiểm tra lại những hộ có nguy cơ để di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, hỗ trợ nước uống, đồ ăn cho các hộ bị ngập lụt", ông Nam cho hay.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 4.

Xe ba gác mưu sinh ngày mưa lũ.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 5.

Theo nhiều người dân, dù mất tiền nhưng đi xe ba gác an toàn và xe máy không bị hỏng.

Đường ngập gần 1m, xe ba gác đưa người dân Bình Định vượt dòng lũ - Ảnh 6.

Mưa lũ bất ngờ khiến nhiều tuyến đường ở TP.Quy Nhơn bị ngập sâu, cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Tối cùng ngày (11/11), Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, bão số 12 và mưa lũ lớn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân tỉnh này.

Có 1 người chết, đó là ông Trương Văn Liêm (57 tuổi, ở khu phố Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn), trong lúc chèn chống nhà cửa chống bão số 12 ngày 10/11, ông Liêm bị ngã và tử vong.

2 người bị thương là bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi, ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ) và ông Đặng Như Thuận (62 tuổi, ở thôn An Thiện, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân), hiện tình hình sức khỏe của ông Thuận tạm ổn định.

Do ảnh hưởng của bão, lũ lớn bắt đầu xuất hiện từ chiều tối 10/11 ở các xã: Canh Vinh, Canh Hiển, thị trấn Vân Canh, Canh Thuận (huyện miền núi Vân Canh) và gây ngập lụt diện rộng ở TP.Quy Nhơn và các huyện Phù Cát, Hoài Ân.

Bão lũ cũng khiến 3 nhà dân bị sập, 1 nhà hư hỏng, 7 nhà tốc mái và hơn 8.500 nhà dân bị ngập trong nước.

Ngoài ra, có 5ha lúa rẫy, 6ha hoa màu bị hư hỏng, 28ha cây keo bị đổ ngã, 5,2ha diện tích bị sa bồi, thủy phá, 6.750 gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Dũ Tuấn
Cùng chuyên mục