Bộ Giao thông lý giải việc tiến cử nhà đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

05/04/2019 12:55 GMT+7
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện Thủ tướng đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không Tân Sơn Nhất...

"Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Thực tế, đây cũng là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư sân bay".

Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nêu ra sau khi ông nhận được chất vấn của báo chí về việc "tại sao Bộ lại đề xuất cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV làm nhà đầu tư mở rộng, nâng cấp nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong khi có một số nhà đầu tư tư nhân khác cũng quan tâm dự án này".

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đề xuất giao cho ACV làm nhà đầu tư dự án nhà ga T3 trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, liên quan đến đơn vị nâng cấp, cải tạo nhà ga T3, ngày 26/3, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chỉ đạo, phân tích rất nhiều phương án như đề xuất dùng vốn của ACV để xây dựng hoặc dùng vốn Ngân sách Nhà nước hoặc dùng ACV kết hợp với các đơn vị khác để đầu tư theo PPP.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ vẫn đề xuất giao cho ACV trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không này. Đơn vị quản lý khai thác từ trước đến giờ theo nhu cầu và quy hoạch phê duyệt sẽ đầu tư nhà ga. 

Thực tế nhiều nhà ga đã được đầu tư xây dựng trong những năm vừa qua do ACV đứng ra xây dựng, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư.

Thứ hai, để thuận lợi trong quản lý, khai thác, luật chung của quốc tế quy định, mỗi một cảng hàng không thì chỉ một nhà khai thác. Do đó, dù có làm thêm nhà ga vẫn phải có một đầu mối chứ không phải một cảng hàng không 2-3 đường băng, bao nhiêu cửa ra là mỗi kiểu khai thác. Còn nhà đầu tư thì có thể có nhiều dạng: Đầu tư tài chính, liên kết đầu tư…

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, thực tế, tại 21 cảng hàng không mà ACV đang quản lý không phải cảng nào cũng có lãi, nhiều năm qua chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Phú Quốc là những cảng có lãi trong kinh doanh. Còn những cảng như Điện Biên, Cà Mau và rất nhiều cảng khác đang bị lỗ, phải điều tiết chuyển từ phần lãi sang phần lỗ để điều hòa hoạt động chung của các cảng. Đó là yếu tố để Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc, so sánh và kiến nghị.

Và cuối cùng, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, sở dĩ Bộ cho rằng, nếu giao cho ACV thực hiện sẽ thuận lợi cho việc tổ chức lập ngay dự án vì trong quá trình quản lý của ACV, khi chuyển cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã có kế hoạch năm 2018 ACV nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga T3.

"Như vậy việc tổ chức xây dựng như đấu thầu, chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện nhanh nhất. Từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị để ACV làm nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Trước đó, một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Tập đoàn FLC, IPP…cũng bày tỏ mong muốn được làm nhà đầu tư dự án nhà ga T3. Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho hay: "Tập đoàn này đã có bề dày kinh nghiệm thi công và hoàn thành các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha trong thời gian ngắn với chất lượng tốt. Do đó, nếu được tham gia đầu tư, thời gian 9 tháng cho dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là hoàn toàn khả thi với chúng tôi".

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục