Bộ Xây dựng: Kiểm soát vốn tín dụng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ

14/06/2022 08:03 GMT+7
Chiều 13/6, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ này cho biết, không siết vốn vào bất động sản, nhưng vẫn phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu cơ.

Trước những ý kiến trái chiều về việc dòng vốn rót vào thị trường bất động sản đang bị siết lại khiến cho nguồn cung nhà ở bị khan hiếm và giá nhà tăng cao, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: "Chủ trương chung là không siết vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân, nhưng vẫn phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu cơ".

Đối với giá nhà đang có xu hướng giảm nhịp tăng, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân.

"Một phần giá nhà tăng cao là do nguồn cung nhà ở bị hạn chế và dòng vốn tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin về thị trường chưa kịp thời, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin có nâng giá thổi giá", ông Khởi đánh giá.

Bộ Xây dựng kiểm soát vốn tín dụng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Ảnh: Thế Anh

Nhằm kiểm soát tình trạng giá nhà ở tăng cao, ông Khởi cho hay, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.

Để có nguồn cung nhà ở dồi dào cung cấp cho những đối tượng có thu nhập thấp đang có nhu cầu mua nhà ở, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tăng nguồn cung cho thị trường.

Cùng với đó là tăng cường thông tin các dự án, thông tin các nguồn hàng, tránh hiện tượng lợi dụng cấu kết tăng giá, tăng nguồn vốn…

Đối với đề xuất quy định sở hữu nhà ở chung cư có thời gian 50 - 70 năm, ông Khởi cho biết: "Vấn đề này đã được Bộ Xây dựng giải thích nhiều lần rồi. Vào năm 2014, khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ sửa Luật nhà ở, Bộ Xây dựng cũng đã đặt ra 2 tình huống quy định sở hữu chung cư có thời hạn hay lâu dài".

Bộ Xây dựng có đề xuất hồ sơ xây dựng luật trình lên Chính phủ với 2 phương án. Phương án 1, thời hạn sử dụng nhà chung cư xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Thời hạn sở hữu nhà ở chung cư có thể là 50 năm hoặc lâu hơn bởi thời hạn này được tính theo hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng có thể dài hơn. Khi hết thời hạn thì quyền sở hữu chấm dứt.

Bộ Xây dựng chưa bao giờ nói nhà ở chung cư quy định sở hữu 50 hay 70 năm mà tùy thuộc vào cấp độ nhà chung cư. Bộ Xây dựng nghiên cứu thống nhất với luật dân sự, thậm chí cả về mặt hiến pháp.

Phương án 2 là xác định theo thời hạn sử dụng đất để Chính phủ xem xét và báo cáo lên Quốc hội 2 phương án này.

Bộ Xây dựng kiểm soát vốn tín dụng bất động sản để tránh hiện tượng đầu cơ - Ảnh 2.

Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2. Ảnh: Reatimes

Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019.

Còn nhà ở xã hội gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.

Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Hiện, cả nước đang triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.

Thế Anh
Cùng chuyên mục