"Bùng nổ" thoái vốn và cổ phần hóa năm 2020
Sức ỳ năm 2019
Năm 2019, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DNNN không đạt nhiều kết quả như mong đợi.
Về cổ phần hóa, năm 2019, chỉ có hai doanh nghiệp nằm trong danh mục theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và một doanh nghiệp nằm Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng thực hiện cổ phần hóa. Từ 2017 tới nay, mới chỉ thực hiện được khoảng 28% kế hoạch cổ phần hóa và vẫn còn 92 doanh nghiệp cần cổ phần hóa trước năm 2021.
Về thoái vốn cổ phần, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thì giai đoạn 2017 – 2020 thực hiện thoái vốn (406 doanh nghiệp) khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong năm 2019, có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 - 2019, thoái vốn Nhà nước tại 44 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4,566 tỷ đồng, đạt 7,5% so với kế hoạch.
Có thể nói cả hoạt động cổ phần và thoái vốn cổ phần Nhà nước tại DNNN, bao gồm nằm ngoài danh mục theo công văn 991/TTg-ĐMDN và ngoài quyết định 1232/QĐ-TTg, đều đang rất chậm chạp so với lộ trình. Đặc biệt, tốc độ cổ phần hóa và thoái vốn thành công với tốc độ ngày càng chậm lại. Những gì chưa làm được, đều sẽ đổ dồn trách nhiệm vào năm 2020, trước khi thời điểm 2021 kế cận.
Kỳ vọng sôi động năm 2020
Một trong những điều kiện để hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn DNNN thành công, là điều kiện phát triển của thị trường chứng khoán.
Năm 2019, thị trường chứng khoán đã có một năm thăng trầm nhất định. Với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, thị trường chứng khoán của 2020 chưa thể khẳng định hoàn toàn lạc quan, song sự quan tâm của Nhà nước để phát triển thị trường chứng khoán, đặc biệt thị trường trái phiếu, là một điều kiện cần và khá tích cực. Luật chứng khoán sửa đổi 2019 được Quốc hội thông qua, tuy phải mất 1 năm nữa mới có hiệu lực nhưng nhà đầu tư đặt kỳ vọng về một điểm hội tụ hàng hóa niêm yết có chất lượng, giao dich kỷ luật và công khai, minh bạch. Thị trường cũng đang còn để ngỏ cơ hội nâng hạng - là một trong những yếu tố để nhà đầu tư cũng đồng thời nhìn tiếp về phía tăng trưởng dài hạn.
Đáng chú ý, Bộ tài chính cũng đang hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới việc cổ phần hóa DNNN. Dự thảo đề cập tới các vấn đề xử lý chi phí cổ phần hóa, các vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích - Chứng khoán Yuanta Việt Nam đặt kỳ vọng sau khi Nghị định sửa đổi nói trên được ban hành, sẽ tháo gỡ được các bất cập trong vấn đề cổ phần hóa DNNN đang tồn tại. Đây có thể sẽ không hoàn toàn là động lực thúc đẩy đạt kế hoạch cổ phần hóa năm 2020 nhưng sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn so với 2 năm qua.
Trong khi đó, nhìn nhận một cách lạc quan, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong trường hợp tích cực, dự thảo Nghị định nói trên có thể được ban hành và có hiệu lực ngay đầu năm nay, khi đó có thể kỳ vọng hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ diễn ra sôi động trong 2 quý đầu năm 2020.
Cũng theo VDSC, trong danh sách các doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, có một số công ty, tổng công ty và tập đoàn lớn. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề xuất thoái 15% vốn tại HVN trong giai đoạn 2019-2020, đồng thời thực hiện tăng vốn trong giai đoạn 2019 – 2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%. Ngoài ra, một vài công ty lớn cổ phần hóa các năm trước như BSR, PVOIL và POW cũng có thể tiếp tục thoái trong năm 2020 sau khi thực hiện xong quyết toán sau cổ phần hóa. Về công tác cổ phần hóa, Genco1 đang lựa chọn thời điểm phù hợp để xác định giá trị doanh nghiệp trong khi Genco2 đã phê duyệt hồ sơ tư vấn từ các nhà thầu.
Cần nhớ là một số tên tuổi lớn cũng đang nằm trong danh mục mà nhà đầu tư khá mong đợi từ hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước. Trong đó đáng chú ý có Agribank, Mobifone, VNPT... là những doanh nghiệp vốn được ngóng chờ hàng hóa từ rất lâu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cũng sẽ vướng những quy định riêng vì nằm trong lĩnh vực ngành kinh doanh có điều kiện và bị giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ được cho là giảm sức hút lớn của dòng tiền, đặc biệt từ khối ngoại, vào hoạt động cổ phần hóa của các doanh nghiệp- hàng hóa lớn ở Việt Nam.