Ca thứ 39 nhiễm Covid-19, cách ly tất cả người tiếp xúc với hành khách chuyến bay VN54
Người tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính cần cách ly trong 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Trong thời gian cách ly, cơ quan y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm, giám sát sức khỏe. Trường hợp âm tính vẫn cách ly cho đủ 14 ngày.
Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân, cách ly tại nhà cho đến khi có xét nghiệm âm tính.
Chuyến bay VN54 từ Anh về sân bay Nội Bài sáng 2/3 chở 217 người, trong đó 21 người ngồi ở khoang thương gia, 180 khách hạng phổ thông, 16 người trong tổ bay và tiếp viên. Có 48 người Việt, còn lại là người nước ngoài. Hiện ngành y tế xác định 13 người đi chuyến bay nhiễm Covid-19 trong đó 12 người ngồi ở khoang hạng thương gia, một ở khoang hạng phổ thông.
Đến chiều 11/3 Việt Nam ghi nhận 39 ca nhiễm Covid-19, trong đó 16 người đã khỏi bệnh, 23 bệnh nhân đang điều trị. 113 ca nghi nhiễm (có tiền sử dịch tễ và có triệu chứng ho, sót, khó thở) được cách ly theo dõi sức khỏe chặt chẽ.
Số người cách ly, giám sát y tế gần 25.000, tăng gần 5.000 ca so với một ngày trước. Người phải cách ly là người không có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở nhưng có yếu tố dịch tễ về bệnh.
Người đầu tiên được xác nhận dương tính Covid-19 trên chuyến bay là "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung, tiếp theo là "bệnh nhân 21". Sau đó 10 du khách người Anh và một người Ireland cũng nhiễm virus. 3 người lây nhiễm nội địa liên quan VN54 là số 19 và 20 (lây từ "bệnh nhân 17"), 35 (từ du khách Anh).
Sau khi nhập cảnh, những hành khách này tỏa đến nhiều tỉnh thành khác. Hiện cơ quan chức năng xác minh được nơi đến của 155 người trong số hành khách hạng phổ thông và 21 hành khách hạng thương gia. 60 người trong số họ có lưu trú tại Hà Nội. Các địa phương đang tìm kiếm và giám sát y tế đối với các hành khách này.
WHO công bố đại dịch
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch Covid-19 đã đạt đến giai đoạn gọi là đại dịch khi có hơn 118.000 trường hợp nhiễm bệnh ở 114 quốc gia và 4.291 người thiệt mạng.
“Việc gọi Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus corona chủng mới gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
"Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được gọi là một đại dịch", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.
Ông Tedros nói rằng Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhưng một số quốc gia "thiếu quyết tâm" trong chống lại dịch bệnh.
Người đứng đầu WHO cũng cho hay, tất cả các quốc gia vẫn có thể thay đổi tiến trình của đại dịch này, nhấn mạnh rằng hành động nhanh chóng có thể ngăn chặn lây nhiễm trên diện rộng Ngoài ra, Tổng giám đốc WHO cũng chỉ ra rằng, thách thức không phải là liệu các quốc gia có thể thay đổi tiến trình của dịch bệnh hay không mà là liệu họ có làm hay không.