Cần xử lý nghiêm tội phạm buôn bán động vật hoang dã nhằm tạo tính răn đe trong cộng đồng
Bà Bùi Thị Hà – Phó giám đốc ENV cho biết, qua phân tích 111 vụ án hình sự về ĐVHD được ghi nhận trong năm 2020, ENV nhận thấy có nhiều chuyển biển tích cực trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã của các cơ quan chức năng tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2020, ENV ghi nhận 105/111 vụ án hình sự liên quan đến động vật hoang dã có các đối tượng vi phạm bị bắt giữ, chiếm 94,6%. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay khi so sánh với giai đoạn năm 2015-2019, chỉ đạt 87%.
Trong đó, công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tính đến tháng 6/2021, có 63/105 vụ án được phát hiện năm 2020 có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử (đạt 60%). Hiện vẫn còn 42 vụ án được phát hiện trong năm 2020 đang được các cơ quan chức năng xem xét xử lý hình sự. ENV cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến quá trình điều tra và xử lý của nhiều vụ án hình sự bị chậm trễ.
Mức hình phạt trung bình áp dụng với đối tượng phạm tội trong các vụ án hình sự về động vật hoang dã được phát hiện năm 2020 là 4,38 năm năm tù. Tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù trong năm 2020 là 51%, không chênh lệch với tỷ lệ năm 2019 (50%). Tuy nhiên, mức hình phạt tù trung bình tăng cao kể từ năm 2015 đến nay khẳng định lập trường ngày càng cứng rắn hơn của các cấp toà án trong quá trình xét xử tội phạm về động vật hoang dã.
Đây là điểm sáng tích cực trong công tác đấu tranh chống tham nhũng bởi các đối tượng này đã không thể dùng những đồng tiền bất chính hay dựa vào các mối quan hệ để thoát án tù. Tuy nhiên, nước ta vẫn tiếp tục bị quốc tế đánh giá là quốc gia trung chuyển, thị trường tiêu thụ lớn và thiếu hành động sau các vụ bắt giữ động vật hoang dã quy mô lớn.
Tại toạ đàm "Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam – Thành tựu và Thách thức", các đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng chưa thực sự đầu tư công sức, nguồn sức và tập trung tìm ra kẻ cầm đầu trong các đường dây buôn bán để xử lý, răn đe là nguyên nhân khiến cho công tác xử lý tội phạm động vật hoang dã đang gặp nhiều thách thức.
"Để chứng minh một hành vi phạm tội của các đối tượng thì không hề dễ dàng, đặc biệt là khi những đường dây tội phạm về động vật hoang dã hoạt động rất tinh vi và có phân công phân nhiệm các vai trò khác nhau. Do đó, để làm rõ đường dây tội phạm đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đi sâu điều tra, truy vết rất lâu...", bà Hà cho hay.
Được biết, trong giai đoạn 2014-2020, các cơ quan chức năng đã phát hiện 29 vụ vận chuyển ngà voi và vảy tê tại các cảng biển. Tuy nhiên, chỉ 3 vụ việc diễn ra tại Đà Nẵng có đối tượng bị bắt giữ và truy cứu trách nhiệm thành công.
Bên cạnh việc chia sẻ thành tựu, thách thức và cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực này, ENV kêu gọi các cơ quan báo chí phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tích cực trong các nỗ lực phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã thông qua việc nâng cao nhận thức của về tính nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã với cả cơ quan hữu quan và cộng đồng; khuyến khích các thành tựu và nỗ lực của Chính phủ; cùng với đó cần tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm và hành động của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; và tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật, tạo tính răn đe trong cộng đồng.