“Căng” thanh khoản tạm thời, 61.000 tỷ đồng được “bơm ra” chỉ trong 1 tuần

14/12/2021 08:04 GMT+7
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm và khiến thanh khoản trên hệ thống phần nào căng thẳng tạm thời.

Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu vừa được Công ty Chứng khoán SSI phát đi đã chỉ ra những dấu hiệu cho thấy, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm và khiến thanh khoản trên hệ thống phần nào căng thẳng tạm thời.

61.000 tỷ đồng được "bơm ra" chỉ trong 1 tuần

Cụ thể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng kết tuần từ 6/12/2021 - 10/12/2021, tăng 5-6 điểm cơ bản so với cuối tuần liền trước, với lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 0,70% (tăng 6 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần là 0,80% (tăng 5 điểm cơ bản).

“Căng” thanh khoản tạm thời, 61.000 tỷ đồng được “bơm ra” chỉ trong 1 tuần - Ảnh 1.

61.000 tỷ đồng được “bơm ra” nền kinh tế chỉ trong 1 tuần. (Ảnh: LT)

Theo các chuyên gia SSI, tăng trưởng tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11, khi thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến cuối tháng 11, tín dụng đạt 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2020.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11, các Ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 61 nghìn tỷ đồng. Con số này gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.

“Căng” thanh khoản tạm thời, 61.000 tỷ đồng được “bơm ra” chỉ trong 1 tuần - Ảnh 2.

Nguồn: SSI

Các tổ chức tín dụng cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng.

"Chúng tôi duy trì quan điểm tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước", các chuyên gia SSI đánh giá.

Về mặt bằng lãi suất, không có nhiều biến động – theo SSI. Hiện, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.

Tỷ giá "nóng" cục bộ, Ngân hàng Nhà nước "ra đòn trấn an"

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá trên thị trường ghi nhận mức biến động mạnh trong tuần trước, tăng tới 1,02% ở cả trên thị trường liên ngân hàng và niêm yết tại ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày thứ 2, tỷ giá niêm yết tại VCB đã tăng tới 1,5% chỉ trong vòng 1 ngày, lên mức 22,950/23,220 đồng/USD

“Căng” thanh khoản tạm thời, 61.000 tỷ đồng được “bơm ra” chỉ trong 1 tuần - Ảnh 3.

Nguồn: SSI

"Chúng tôi đánh giá hành động điều chỉnh tăng giá bán USD chỉ mang tính chất tạm thời và thể hiện sự thiếu hụt USD cục bộ trên thị trường. Ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bước điều chỉnh giảm tỷ giá bán USD trên Sở giao dịch hàng hóa Ngân hàng Nhà nước 600 đồng/USD, nhằm trấn an tâm lý thị trường cũng như thể hiện động thái sẵn sàng bán USD nếu cần thiết. Nhờ đó, tỷ giá đã hạ nhiệt", báo cáo nhấn mạnh.

Theo SSI, về cơ bản, đồng VND vẫn cho thấy sức mạnh của mình thông qua nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực.

Cán cân thương mại thặng dư (11 tháng được điều chỉnh tăng, ước tính xuất siêu 1,46 tỷ USD) bên cạnh dòng vốn FDI giải ngân và dòng tiền kiều hối khả quan. Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp thông qua các thương vụ M&A cũng duy trì tốt như thỏa thuận SK Group Hàn Quốc mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan) trị giá 350 triệu USD hay việc NH Mizuho Nhật Bản chi 170 triệu USD mua lại một phần cổ phần của MoMo.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục