Cảnh báo làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu có thể tăng vọt năm 2022, riêng Mỹ là ngoại lệ

06/10/2021 15:46 GMT+7
Theo một báo cáo mới của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Euler Hermes, tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp có thể tăng lên vào năm 2022, thời điểm các chính phủ toàn cầu bắt đầu thu hẹp những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch.

Euler Hermes dự báo tỷ lệ vỡ nợ kinh doanh có thể tăng 15% trong năm 2022 sau 2 năm giảm liên tiếp vừa qua. Năm 2020, tỷ lệ vỡ nợ kinh doanh toàn cầu giảm 12% và năm 2021, con số này giảm thêm 6% do các gói cứu trợ kinh tế khổng lồ từ các chính phủ trên toàn cầu.

Dù vậy, ngay cả trong tình huống tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu tăng mạnh như Euler Hermes dự báo vào năm 2022, con số này vẫn thấp hơn 4% so với mức tăng vào năm 2019, ngay trước thời điểm khủng hoảng đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu.

Cảnh báo làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu có thể tăng vọt năm 2022, riêng Mỹ là ngoại lệ - Ảnh 1.

Cảnh báo làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp toàn cầu có thể tăng vọt năm 2022, riêng Mỹ là ngoại lệ (Ảnh: Getty Images)

Maxime Lemerle, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về tình trạng mất khả năng thanh toán tại các doanh nghiệp Tây Âu cho hay: “Nhìn vào mức độ vỡ nợ, có thể thấy các chính phủ đã thành công trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt với khủng hoảng đại dịch. Các gói can thiệp lớn của chính phủ đã ngăn chặn ít nhất 1 trong 2 vụ vỡ nợ quy mô lớn ở Tây Âu và một trong ba vụ vỡ nợ quy mô lớn ở Mỹ… Việc gia hạn gói cứu trợ này dự kiến sẽ giúp tỷ lệ vỡ nợ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong năm nay. Nhưng điều gì xảy ra với doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo sẽ phụ thuộc vào hành động tương lai của các chính phủ”.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu lây lan ra toàn cầu, các chính phủ đã tăng chi tiêu để hỗ trợ hộ gia đình, doanh nghiệp cũng như đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe vững mạnh đối phó với đại dịch. Các biện pháp hỗ trợ chủ yếu bao gồm giảm thuế, hoãn thuế, tăng cường tín dụng cũng như trợ cấp tiền mặt. Các ngân hàng trung ương cũng sử dụng nhiều công cụ tiền tệ như cắt giảm lãi suất, nới lỏng định lượng để bơm tiền vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, một số chính phủ đang dần thu hẹp các gói hỗ trợ trong khi các ngân hàng trung ương xem xét tăng dần lãi suất khi lạm phát trở thành mối quan ngại mới.  

Cũng theo nghiên cứu của Euler Hermes, tình trạng vỡ nợ doanh nghiệp đang dần bắt kịp mức trước đại dịch ở một số thị trường mới nổi. Chẳng hạn, tại châu Phi, tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp có thể vượt mức 2019 trong năm nay. Trong khi tại các khu vực như Trung / Đông Âu và Mỹ Latinh, tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp có thể vượt mức 2019 vào năm 2022.

Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp khoảng 18% vào năm 2022, theo Euler Hermes.

Tại Mỹ, sự kết hợp giữa các gói hỗ trợ lớn và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ có thể sẽ giữ tỷ lệ vỡ nợ ở mức thấp vào năm 2021 và 2022, Euler Hermes nói thêm.

Trung Quốc cũng là quốc gia đang đối diện với rủi ro lớn từ làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp. Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2021 đã lên tới 116 tỷ Nhân dân tệ (18 tỷ USD), một con số kỷ lục cao chưa từng có. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc đang gây ra tình trạng báo động với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính internet Shanghai DZH, dự báo tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc năm 2021 có thể vượt qua mức kỷ lục hơn 187 tỷ Nhân dân tệ được ghi nhận vào năm ngoái.

Hồi tháng 7/2020, Bắc Kinh đã thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ Nhân dân tệ chuyên xử lý rủi ro vỡ nợ trái phiếu tiềm ẩn. Quỹ này được hậu thuẫn bởi 31 công ty quốc doanh và China Reform Holdings thuộc sở hữu nhà nước.

S&P Global nhận định việc Trung Quốc thành lập các quỹ giảm thiểu rủi ro vỡ nợ sẽ giúp xoa dịu tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, nếu các quỹ này tập trung vào các gói cứu trợ tài chính để duy trì việc làm tại địa phương, điều này vô hình chung sẽ giúp các “công ty zombie” duy trì hoạt động, qua đó trì hoãn cải cách khu vực kinh tế quốc doanh. “Công ty zombie” là một thuật ngữ ám chỉ các công ty mắc nợ nhiều và chủ yếu dựa vào các khoản vay, trợ cấp từ chính phủ để tồn tại.


NTTD
Cùng chuyên mục