Cảnh báo: Làn sóng vỡ nợ trái phiếu USD tại Trung Quốc lên mức kỷ lục
Dữ liệu từ công ty tài chính Natixis của Pháp công bố mới đây cho thấy giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu bằng USD của doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần từ mức 4 tỷ USD trong năm 2019 lên 12 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020.
Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 cùng căng thẳng Mỹ Trung leo thang đỉnh điểm đã gây ra sự sụt giảm nghiêm trọng trong niềm tin thị trường cũng như sự thiếu hụt thanh khoản bằng đồng USD, qua đó hạn chế dòng tiền USD mà doanh nghiệp Trung Quốc dùng để thanh toán các khoản nợ hiện có.
Zhang Guo, giám đốc điều hành tại China Chengxin nhận định trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung xấu đi và lượng lớn trái phiếu đồng USD đến hạn đáo hạn vào năm tới, tình trạng vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ tăng lên.
Theo dữ liệu từ Refinitiv, các công ty Trung Quốc đang nắm giữ số trái phiếu USD trị giá 101,8 tỷ USD sẽ đáo hạn trong năm nay. Con số này sẽ tăng 10% vào năm 2021 và 19% vào năm 2022.
“Số nợ bằng đồng USD mà doanh nghiệp Trung Quốc mất khả năng thanh toán ngày một tăng là do các doanh nghiệp đang yếu đi (trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh), qua đó gây áp lực lên thanh khoản nội bộ… Ngoài ra, các yếu tố kinh tế vĩ mô như đại dịch chưa được kiểm soát ở nước ngoài và căng thẳng Mỹ Trung cũng đang ảnh hưởng đáng kể đến các khoản nợ USD của Trung Quốc”. - ông Zhang nhận định.
Trong suốt nửa đầu năm, số vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc không nhiều nhờ hàng loạt chính sách của chính phủ trong việc khuyến khích các bên cho vay tái cấp vốn hoặc hoãn thanh toán để hỗ trợ nền kinh tế sau khủng hoảng đại dịch Covid-19. Nhưng các chuyên gia nợ tại quỹ đầu tư quản lý tài sản SC Lowy và Adamas Asset Management đều cho rằng những hỗ trợ từ phía Bắc Kinh khó có thể duy trì và kéo dài sự ổn định của thị trường tài chính nước này. Nhất là khi các vụ vỡ nợ doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng lên kỷ lục vào năm 2018-2019, trước của khi dịch bệnh bùng phát.
Theo báo cáo của Bloomberg, tổng giá trị các vụ vỡ nợ trái phiếu tại thị trường Trung Quốc năm 2019 đã lên tới 130 tỷ USD, vượt qua mức vỡ nợ cao nhất hàng năm là 122 tỷ USD hồi năm 2018.
Thực tế cho thấy, sang đến quý III, số vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc đã tăng vọt, đặc biệt là vỡ nợ trái phiếu đồng USD.
Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, các công ty Trung Quốc đã bán 40 tỷ USD trái phiếu trong quý này, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp Trung Quốc với trái phiếu đồng USD đang giảm rõ rệt trong bối cảnh bất ổn hiện tại.
Trước đây, các nhà đầu tư ưa thích trái phiếu bằng đồng USD do các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phát hành, dù nó có rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận cũng cao tương đương. Tuy nhiên, kể từ khi thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu hỗn loạn hồi tháng 3, nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang mua trái phiếu đồng USD chất lượng cao, rủi ro thấp hơn được phát hành bởi các ngân hàng và tổ chức tài chính uy tín. “Sau cuộc khủng hoảng thanh khoản hồi tháng 3, nhà đầu tư giờ đây không còn chạy theo trái phiếu lợi suất cao nữa” - một chuyên gia tài chính cho hay.
Mới đây nhất, một vụ vỡ nợ lớn đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu đồng USD của Trung Quốc khi một tập đoàn được hậu thuẫn bởi trường đại học danh tiếng bậc nhất quốc gia tuyên bố phá sản. Peking University Founder Group do đại học Bắc Kinh sáng lập gần đây xác nhận phá sản, đồng thời tuyên bố vỡ nợ trái phiếu với tổng trị giá lên tới 1,7 tỷ USD. Vụ việc này đã làm rộ lên câu hỏi về khả năng thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp Trung Quốc với các khoản nợ nước ngoài, nợ bằng đồng USD.
Chuyên gia Paul Au từ China Merchants Bank International thì tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng bất chấp rủi ro Washington trừng phạt tài chính với một số ngân hàng Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu USD trong doanh nghiệp, không thể phủ nhận nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn Mỹ và Châu Âu. Do đó các nhà đầu tư sẽ tiếp tục mua trái phiếu an toàn mà các công ty, tổ chức tài chính hàng đầu Trung Quốc phát hành.
“Các công ty đầu tư và quản lý quỹ của Mỹ có văn phòng đại diện ở khắp Châu Âu, Singapore và cả Hồng Kông. Họ không cần phải được trụ sở chính chấp thuận khi đưa ra các quyết định đầu tư. Trong môi trường đầu tư, bất cứ nơi nào có tiềm năng mang lại lợi nhuận là nơi cho phép bạn ra quyết định đầu tư” - ông Paul nói thêm.