Đến lượt công nghệ giám sát Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của Mỹ

28/05/2019 12:07 GMT+7
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giờ đây đang dần chuyển thành chiến tranh công nghệ, và Hoa Kỳ đang hướng sự chú ý đến một lĩnh vực công nghệ phát triển khác của Trung Quốc: công nghệ giám sát.

Hikvision và một đế chế công nghệ giám sát ở phía sau

Vào tuần trước, tờ New York Times đưa tin Nhà Trắng đang xem xét cho 5 công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen sau Huawei. Hai trong số đó là Hikvision và Dahua Technology, hoạt động trong lĩnh vực phân phối thiết bị giám sát toàn cầu.

Hikvision hiện là một trong những nhà sản xuất thiết bị giám sát video lớn nhất thế giới. Cùng với Huawei, Hikvision đồng thời khẳng định tham vọng của Trung Hoa trong việc trở thành siêu cường công nghệ.

Việc chính quyền Tổng thống Trump xem xét đưa Hikvision vào danh sách đen hạn chế thương mại là hoàn toàn dễ hiểu. Quá rõ ràng, Nhà Trắng từ lâu đã coi Trung Quốc là mối đe dọa, khi quốc gia Châu Á này có những bước phát triển thần kỳ về kinh tế và công nghệ trong thập kỷ vừa qua.

Hikvision là tập đoàn công nghệ tiếp theo của Trung Quốc có nguy cơ lọt vào danh sách đen của Mỹ

Tất nhiên, Washington sẽ lại viện dẫn lý do lợi ích an ninh quốc gia cho hành động của mình, tương tự như các cáo buộc hướng tới Hikvision hồi năm ngoái.

Trước đó, vào tháng 9/2018, Nhà Trắng đã thông qua điều luật 2019 NDAA nghiêm cấm sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát từ Hikvision và Dahua Technology tại các cơ sở hạ tầng quan trọng, cơ sở an ninh quốc gia và mọi cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ trước lo ngại hoạt động giám sát gián điệp từ các công ty công nghệ Trung Quốc.

Một số cáo buộc khác của các nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ ra nghi vấn Bắc Kinh sử dụng công nghệ Hikvision để giám sát một số dân tộc thiểu số trên chính lãnh thổ Trung Hoa, vi phạm nhân quyền cơ bản. Tất nhiên, phía Hikvision bác bỏ mọi cáo buộc liên quan. Người phát ngôn của Hikvision trả lời CNBC, họ đã thuê một chuyên gia nhân quyền để tư vấn trong trường hợp vấn đề trở nên căng thẳng hơn.

Nhưng Hikvision chỉ là một trong số hàng trăm công ty cung cấp thiết bị giám sát tạo thành hệ sinh thái công nghệ giám sát rộng lớn của Trung Quốc. Tất nhiên, Hikvision là người tiên phong trong công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ nhận dạng khuôn mặt từ dữ liệu cung cấp bởi hơn 200 triệu camera giám sát khắp Trung Quốc. Cơ sở nhận dạng khuôn mặt của nước này hiện nay đã nhận dạng được hầu hết các cá thể trong tổng dân số 1.4 tỷ người. Hikvision đang thúc đẩy việc đưa camera kết hợp trí tuệ nhân tạo ra thị trường thế giới, phục vụ hoạt động giám sát và quản lý của nhiều Chính phủ.

Đó chính là lý do vì sao Nhà Trắng quan ngại và liên tục cảnh báo các đồng minh về nguy cơ an ninh quốc gia. Nhất là khi chính quyền Tập Cận Bình mới đây tuyên bố, Trung Quốc dự định trở thành trung tâm phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới trong tương lai gần. Và các công ty AI mọc lên khắp mọi nơi tại đất nước này đã chứng minh tham vọng ấy.

Nhà Trắng liên tục cảnh báo các đồng minh về nguy cơ an ninh quốc gia khi sử dụng công nghệ giám sát AI từ Trung Quốc

Quan ngại kho dữ liệu khổng lồ

Nền tảng của mạng lưới giám sát camera Trung Quốc là dữ liệu công dân từ thẻ căn cước do các cơ quan thực thi pháp luật thống kê và tích lũy. Trong đó bao gồm tất cả thông tin cá nhân, nhận dạng và khuôn mặt họ. Điều này cho phép thuật toán AI có cơ sở xác định chính xác một cá nhân khi đối chiếu với dữ liệu hình ảnh thu được từ hệ thống camera giám sát khắp quốc gia.

Trong tương lai, nước này sẽ yêu cầu công dân sử dụng thẻ căn cước để mua SIM nhằm đồng bộ số điện thoại của họ với cơ sở dữ liệu của chính phủ, hạn chế tối đa SIM rác và tình trạng ẩn danh. Các nhà chức trách cũng mong muốn thu thập nhiều dữ liệu sinh trắc học khác, kể cả giọng nói để tạo thành kho dữ liệu khổng lồ kết nối với các thuật toán tiên tiến, phục vụ công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự.

Bởi vậy, Nhà Trắng tỏ ra quan ngại một khi công nghệ giám sát Trung Quốc được cung cấp đến Chính phủ các quốc gia khác. Nguy cơ Trung Quốc thâu tóm toàn bộ dữ liệu cá nhân và hệ thống giám sát an ninh tại thủ phủ quốc gia là hoàn toàn đáng cân nhắc.

Camera giám sát tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh

Sự nở rộ các công ty công nghệ trị giá hàng tỷ đô la

Sau kế hoạch chi tiết mà Trung Quốc vạch ra để trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các công ty AI ngày càng nở rộ và tích cực tham gia vào công tác xây dựng bộ máy giám sát nhà nước tại quốc gia này.

SenseTime, một công ty kinh doanh và phân phối công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các sở cảnh sát được định giá hơn 4 tỷ USD. Megvii, một công ty khác cũng kinh doanh công nghệ nhận dạng sinh trắc học cho Chính phủ được định giá gần 4 tỷ USD. Các công nghệ này được cho là nỗ lực cải thiện mạng lưới quản lý công cộng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân từ chính phủ Trung Quốc.

Hikvision hay Dahua Technology là những “đế chế” đã mang công nghệ giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp cho các Chính phủ nước ngoài. Philippines hiện đang hợp tác với Trung Quốc trong dự án Safe Philippines, sử dụng công nghệ giám sát AI trị giá hơn 400 triệu USD tại thủ phủ Manila và thành phố Davao.

Mỹ từng lên tiếng cảnh báo Philippines về mối quan ngại gián điệp từ các công ty công nghệ Trung Quốc. Đáp lại tất cả, Cục Cảnh sát Quốc gia Philippines đã công bố kết quả điều tra cho thấy không có bằng chứng chứng minh Huawei có tham gia vào hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Nước này vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ của Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ Huawei vào xây dựng mạng lưới 5G.

Rõ ràng, trước sự bành trướng của đế chế công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ giám sát, Mỹ có lý do để lo lắng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục