Chủ tịch Huawei thừa nhận sẽ điêu đứng sau đòn đau của Mỹ
Guo Ping, Chủ tịch luân phiên cấp cao của Huawei hôm 18/5 nhận định: “Mỹ đang tận dụng thế mạnh công nghệ của mình để đè bẹp các công ty bên ngoài biên giới. Điều này chỉ làm suy yếu niềm tin của các công ty nước ngoài vào chuỗi cung ứng và công nghệ Mỹ. Cuối cùng, sẽ chỉ có Mỹ chịu thiệt hại mà thôi”.
“Việc kinh doanh của Huawei chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Dù vậy, có thể thấy những thách thức trong năm qua đã giúp chúng tôi phát triển khả năng thích nghi mạnh mẽ hơn. Giờ đây, chúng tôi tự tin sẽ sớm tìm ra giải pháp” - ông Guo Ping nói thêm. “Tồn tại là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong thời điểm hiện tại”. Vị Chủ tịch từ chối đưa ra biện pháp chi tiết hay dự báo tài chính nào cho Huawei trong thời gian tới.
Đây được xem là bình luận công khai đầu tiên từ phía Huawei kể từ khi Bộ quy tắc của Mỹ chính thức có hiệu lực hôm 15/5. Bộ quy tắc mới được Washington ban hành yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn bán con chip cho Huawei.
Từ hồi cuối tháng 3, các nguồn tin của Reuters đã cho biết quan chức cấp cao Mỹ đang xem xét một bộ quy tắc như vậy nhằm chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang do sự bùng phát dịch Covid-19. Giờ đây, không chỉ các doanh nghiệp Mỹ bị hạn chế làm ăn với Huawei, mà các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ rơi vào tình thế tương tự.
Huawei chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể từ bộ quy tắc như vậy. Bởi HiSilicon, công ty con chuyên về mảng phát triển chip của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện chỉ có khả năng thiết kế chip, còn việc sản xuất phải phụ thuộc vào các hãng sản xuất chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan). Ước tính, 98% chip smartphone và phần lớn chip thiết bị mạng 5G của Huawei được sản xuất bởi TSMC.
Kể từ hôm 18/5, nguồn tin từ tờ Nikkei Asian Review cho hay TSMC đã tạm dừng nhận các đơn hàng mới của Huawei sau khi Mỹ ban hành bộ quy tắc như vậy. Điều này nghĩa là Huawei sẽ phải vật lộn để tìm ra giải pháp thay thế cho TSMC nhằm đảm bảo nguồn cung chip không gián đoạn. SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc hiện chưa thể sản xuất dòng chip Kirin 990 7nm tiên tiến nhất của Huawei. Hãng này cũng kém xa TSMC cả về quy mô và năng lực sản xuất. Việc chuyển nguồn cung ứng chip vào trong nước do đó mà trở nên đặc biệt khó khăn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng bộ quy tắc của Mỹ có thể sẽ tạo ra cú hích cho Huawei trong việc thiết lập một nguồn cung chip không phụ thuộc vào Mỹ.
Ông Guo Ping trong cùng ngày cũng kêu gọi sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác quốc gia giữa các công ty, doanh nghiệp, cơ quan công nghiệp để ứng phó với những đòn giáng từ Mỹ. Theo ông này, Huawei đã chi tới 18,7 tỷ USD để nhập khẩu công nghệ, dịch vụ từ các nhà cung cấp Mỹ vào năm ngoái, và sẵn sàng tiếp tục làm ăn nếu Washington cho phép.