Chủ tịch Quốc hội: "Cần gói hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi, tái thiết nền kinh tế"

08/10/2021 07:23 GMT+7
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tuần tới ông sẽ làm việc với 3 Bộ để tính toán về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt sẽ thống nhất một gói hỗ trợ để góp phần tái thiết nền kinh tế.

Đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm

Chiều qua (7/10), tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thăm, làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn thể chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, có không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.

 "Trong lúc khó khăn, rất cần bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cần có niềm tin vào các yếu tố vĩ mô; các khó khăn chỉ là tạm thời. Với truyền thống đoàn kết của nhân dân, doanh nghiệp ta sẽ vượt khó khăn, phát triển hơn trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: "Cần gói hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi, tái thiết nền kinh tế" - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Hội nghị Trung ương vừa rồi đã thống nhất chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh, nới lỏng các hoạt động để dần trở lại bình thường mới. Ảnh: Đại biểu nhân dân.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, không chỉ có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Quốc hội cho biết các doanh nghiệp lớn qua đợt dịch vừa rồi cũng bị tổn thất rất lớn. Trong 9 tháng đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước đề xuất nâng trần nợ công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trần nợ công còn chưa sử dụng hết. Theo ông, cần tính toán chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thống nhất cần một gói hỗ trợ để góp phần tái thiết nền kinh tế.

"Trong tuần tới, liên quan đến vấn đề này, tôi sẽ làm việc Ủy ban Kinh tế, Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cùng với các Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên tinh thần chính sách tài khoá và tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho hỗ trợ nền kinh tế", Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Tính toán của Ủy ban Kinh tế cho thấy gói hỗ trợ của năm 2021 đến nay bằng 2,84% GDP, nhưng Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần hỗ trợ nhiều hơn cho tăng trưởng, phục hồi và kích thích phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực làm việc này.

Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ thông tin: Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XIII vừa kết thúc, đề ra 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng, đó là phát triển KTXH, tài chính, ngân sách của năm 2022, kế hoạch tài chính cho 3 năm 2022-2024; thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới. Nội dung kỳ họp lần này có xem xét, quyết định một số dự án luật quan trọng, trong đó có dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, cần có tiếng nói, ý kiến của doanh nhân. Các quyết sách lớn về KTXH sắp tới cần có đánh giá tác động đầy đủ của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt KTXH, nhất là đối với việc làm, sinh kế của người dân và hoạt động của doanh nghiệp

Ông Vương Đình Huệ khẳng định, trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp...

"Chúng tôi 'đặt hàng' VCCI xây dựng chiến lược phục hồi doanh nghiệp, cũng như đóng góp vào phát triển nền kinh tế nói chung. Trung ương cũng đã thống nhất sẽ điều chỉnh chính sách tài khoá tiền tệ hợp lý vào thời điểm phù hợp, phối hợp 2 chính sách hợp lý, đúng liều lượng để tháo gỡ cho doanh nghiệp, cũng như kích thích và phục hồi nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp tồn kho cả ngàn tỷ đồng

Chia sẻ tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Minh Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) cho biết, hiện chuỗi cung ứng đã bị đứt gãy. Thậm chí, có những doanh nghiệp dệt may hiện bị tồn kho cả ngàn tỷ đồng tiền nguyên liệu do khách hàng bỏ chạy vì hàng thời trang thu đông không giao được và nguy cơ với hàng xuân hè cũng tương tự.

Doanh nghiệp khó khăn nhất là dòng tiền. Vì vậy cần có các chính sách tạo dòng tiền cho doanh nghiệp. Cần kéo dài thời gian giãn nợ tới 31/12/2022, giảm tiền thuế, thuê đất hết 2022 cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô.

Đặc biệt ,cần miễn nộp kinh phí công đoàn đến hết năm 2021 và xem xét giảm từ 2% xuống còn 1% và để lại hoàn toàn cho người lao động tại doanh nghiệp.

Ông Đoàn Kiến Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải Hải Phòng cho biết, kinh doanh vận tải hành khách của các doanh nghiệp thành viên thời gian qua bị giảm từ 70-80%. Doanh thu không đủ duy trì hoạt động, nguy cơ phá sản cao.

"Chúng tôi kiến nghị giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về mức về 5% trong một năm; giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô vận tải hành khách, giảm 3-5% lãi suất các khoản vay hiện hữu của ngân hàng, cơ cấu lại nhóm nợ, thời gian trả nợ, cho vay mới bổ sung vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, miễn nộp phí bảo trì đường bộ trong thời gian doanh nghiệp vận tải dừng hoạt động để chống dịch", ông nói.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Chu Tiến Dũng báo cáo, doanh nghiệp tại TP.HCM 3 tháng qua vô cùng khó khăn, rơi vào tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chi phí đầu vào tăng, thiếu nguồn tiền, nguy cơ phá sản cao, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế.

Ông kiến nghị Quốc hội cần xem xét giải quyết nguồn vốn cho doanh nghiệp. Bảo lãnh để doanh nghiệp được tiếp cận vốn, tài khóa, cho phép giãn hoãn nợ thuế kéo dài 2 năm. Song song đó cũng yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo tính khả thi, minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ.

Để mở cửa, sống chung an toàn với dịch Covid-19, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cũng khẳng định điều quan trọng nhất là cần một cơ chế, chính sách thống nhất được áp dụng chung trong cả nước.


An Vũ
Cùng chuyên mục