Chuẩn hóa nghề môi giới bất động sản để nâng chuẩn thị trường

27/06/2019 12:05 GMT+7
Hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới là con số cho thấy đóng góp của đội ngũ này với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, những mặt trái của nghề nghiệp này cũng cho thấy sự cấp bách phải chuẩn hóa hoạt động môi giới bằng cách chế tài pháp lý và quy chuẩn đạo đức, trong đó vai trò của hội nghề nghiệp như Hội Môi giới bất động sản Việt Nam là rất quan trọng.

Cầu nối môi giới

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), môi giới bất động sản ở Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Đội ngũ này đã làm tốt nhiệm vụ kết nối cung - cầu, định hướng giúp các nhà phát triển bất động sản tạo thị trường mới, sản phẩm mới phù hợp với xu thế thị trường và nhu cầu của khách hàng. Hàng năm, các môi giới kết nối thành công hàng vạn sản phẩm từ các đơn vị phát triển dự án đến người tiêu dùng. Riêng năm 2018, cả nước có trên 100.000 giao dịch thành công.

Trong quá trình phát triển, nhiều doanh nghiệp môi giới đã biết cách vận dụng mọi nguồn lực của mình để lớn mạnh và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Trong hàng ngàn doanh nghiệp môi giới hiện nay có rất nhiều đơn vị đã không ngừng nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị từ tư vấn phát triển dự án, triển khai hoạt động tiếp thị, bán hàng và dịch vụ quản lý vận hành dự án như Đất Xanh, Hưng Thịnh, STDA… Nhiều doanh nghiệp đã phát triển từ hoạt động môi giới lên trở thành các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường.

Nâng chuẩn nghề môi giới, trách nhiệm của hội nghề nghiệp là rất quan trọng 

Tuy nhiên, không phủ nhận rằng một số lượng rất lớn người hành nghề môi giới hiện nay chưa qua các khóa đào tạo kiến thức hành nghề để trang bị nền tảng kiến thức căn bản phục vụ cho công việc; phần lớn trong số chưa có chứng chỉ hành nghề.

Theo thống kê của VARS, lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam hiện đạt tới 200.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Các nhà môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, Hà Nội có trên 70.000 người, TP.HCM trên 90.000 người.

Trong số này, có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán. Đây là thực trạng đáng báo động nhất hiện nay và chắc chắn là nguyên nhân căn bản khiến cho thị trường bất động sản phát triển kém bền vững do môi giới thiếu kiến thức và kém hiểu biết về pháp luật.

"Các nhà môi giới khi tham gia thị trường bất động sản cần có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng, tiêu chuẩn nhất định. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà môi giới chuyên nghiệp và nghiệp dư. Một môi giới đúng nghĩa cần có đủ khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho nhu cầu của từng khách hàng", ông Đính khẳng định và cho biết thêm, các giao dịch bất động sản hiện nay không bắt buộc phải thông qua Sàn giao dịch hoặc đơn vị trung gian có chức năng kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Nhà môi giới ít khi xuất hiện trên các văn bản, hồ sơ giao dịch bất động sản vì pháp luật không quy định bắt buộc. Thế nên, khi có tranh chấp xảy ra họ có thể “cao chạy xa bay” mà không phải gánh hậu quả pháp lý gì khi tư vấn sai.

Nâng chuẩn nghề môi giới thời 4.0

Sự phát triển nhanh của lĩnh vực môi giới bất động sản đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động này. Các văn bản pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11 đưa ra những yêu cầu chặt chẽ với nghề môi giới, tương tự ở các lĩnh vực tài chính khác.

Theo ông Đính, đội ngũ môi giới chuyên nghiệp được đào tạo bài bản sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thị trường bất động sản minh bạch và phát triển, làm nền tảng áp dụng công nghệ vào các giao dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động bất động sản đang trở thành xu hướng của các doanh nghiệp, sự quan trọng của việc đào tạo và kiểm soát lực lượng môi giới chuyên nghiệp càng cần thiết hơn nhằm đảm bảo tính minh bạch, trung thực của thị trường, bên cạnh sự cạnh tranh trong hoạt động môi giới.

Hoa hồng vài chục triệu đồng/giao dịch, lúc nào cũng bóng bẩy, sang trọng, là hình ảnh bên ngoài thường thấy của nhiều môi giới, nhưng không nhiều người hiểu rằng, để có được điều đó là không dễ và số lượng môi giới đạt được thành công trên không nhiều so với số lượng môi giới đang hoạt động.

Thực trạng số lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng đã vội vã tham gia thị trường là một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp bị sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các "cò đất”…

Với vai trò là một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hoạt động môi giới, trong thời gian vừa qua, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam luôn trăn trở với lĩnh vực này. Hội đã  liên tục thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho các đại lý, doanh nghiệp, môi giới viên trong lĩnh vực phân phối bất động sản. Đồng thời, VARS cũng tổ chức các chương trình thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới các sàn giao dịch, đơn vị phân phối trên cả nước.

"Ngày Hội thường niên mà chúng tôi tổ chức hàng năm vào dịp 29/6 cũng là dịp để hội tụ, gắn kết và thảo luận về những câu chuyện của nghề môi giới bất động sản hiện nay, cũng như làm sao để nâng cao chuẩn mực nghề bất động sản", ông Đính khẳng định và cho biết thêm, sau 4 năm hoạt động, thời gian tới Hội Môi giới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cập nhật cũng như hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản.

Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng, nhìn chung, việc giám sát và thực thi Luật Kinh doanh bất động sản còn nhiều hạn chế nên “hàng rào kỹ thuật” gia nhập ngành môi giới hầu như không có; bất cứ ai cũng có thể tham gia làm môi giới, miễn là họ có thông tin về nhu cầu mua bán. Điều này khiến cho việc kiểm soát, điều tiết thị trường của Nhà nước sẽ vô cùng khó khăn và ít hiệu quả. Để giải quyết những bất cập nêu trên, cần có một số giải pháp đồng bộ cho vấn đề này.

Do đó, thời gian vừa qua VARS đã hoàn chỉnh và ban hành bộ giáo trình chung về đào tạo và cấp chứng chỉ môi giới, quản lý sàn bất động sản; đồng thời phải có bộ ngân hàng câu hỏi chung và tổ chức, giám sát thi cử chặc chẽ, nghiêm túc. Được như vậy mới mong có được lực lượng môi giới chuyên nghiệp, lành nghề.

“Sắp tới đây, VARS sẽ tuyên truyền, nhắc nhở các sàn để các nhà môi giới hàng năm phải tham gia khóa đào tạo cập nhật kiến thức hành nghề tại các cơ sở đào tạo được cấp phép. Vì bất động sản là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến rất nhiều quy định tại các sắc luật và các quy định từ các bộ, ngành khác nhau; mỗi quy định thay đổi đều tác động ít nhiều đến hoạt động môi giới bất động sản. Trong giai đoạn Nhà nước đang hoàn thiện các quy định của luật pháp thì những thay đổi này thường xuyên xảy ra, nhà môi giới cần cập nhật kịp thời để tránh rủi ro cho khách hàng và cho chính bản thân họ”, ông Đính khuyến cáo.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục