Chuỗi cung ứng Đông Nam Á lao đao trước sức ép dịch virus corona
Thiếu hụt nhân công
Dù công nhân Trung Quốc chỉ chiếm dưới 10% số nhân lực trong các công trình xây dựng ở Singapore, các công ty ở nước này đều phụ thuộc vào trình độ tay nghề cao của họ. Cùng với đó, hầu hết nguyên vật liệu xây dựng ở Singapore đều đến từ Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại các công trình xây dựng ở Singapore sẽ không có được cung ứng đủ do tác động của dịch virus corona ở Trung Quốc.
Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ ở Trung Quốc, các thành phố Trung Quốc buộc phải đóng cửa, các nhà máy ở nước này hiện mới chỉ dần quay trở lại hoạt động, nhưng các chuyên gia phân tích từ ngân hàng đầu tư Nomura ước tính tỉ lệ công nhân quay trở lại làm việc ở 15 thành phố Trung Quốc chỉ dưới 25,6 % tính đến ngày 19/2. Thêm vào đó, nhân công Trung Quốc làm việc ở các quốc gia khác cũng không thể trở lại làm việc do lệnh giới hạn du lịch hay cách ly.
Tính đến nay, cả thế giới có đến 83.000 ca nhiễm bệnh và 2.800 người chết. Trong khi phần lớn số người nhiễm bệnh và tử vong đến từ Trung Quốc, dịch virus corona đang diễn biến ngày càng phức tạp với các ca nhiễm tăng nhanh ở Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản và Iran, khiến nhiều người bị hạn chế di chuyển giữa các quốc gia. Israel từ chối nhập cảnh những người bay từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kì và Pakistan cũng đồng thời đóng cửa biên giới với Iran. Singapore ở Đông Nam Á là một trong những quốc gia đầu tiên ban hành luật cấm nhập cảnh vào ngày 29/1 với các hành khách đến từ tỉnh Hồ Bắc – cũng là trung tâm dịch bệnh. Đến ngày 1/2, lệnh này áp dụng với tất cả du khách đến từ Trung Quốc, và vào cuối tuần trước, bất cứ ai đến từ thành phố Deagu và Cheongdo ở Hàn Quốc cũng bị từ chối nhập cảnh.
Lệnh cấm này áp dụng với khoảng 30.000 công nhân Trung Quốc trở về nước ăn Tết, không phải ai cũng có thể được cấp phép quay lại Singapore. Nếu nước này phụ thuộc vào bất cứ nhà thầu nào mà không có nhân công, họ sẽ buộc phải đi tìm nhà thầu thay thế, điều này đồng nghĩa với trả thêm lương để theo kịp tiến độ.
Tình huống này không chỉ xảy ra ở Singapore. Indonesia cũng có khoảng 30.000 công nhân Trung Quốc được thuê để làm việc ở các nhà máy và doanh nghiệp khắp nước này. Khu công nghiệp PT Indonesia Morowali có khoảng 5.000 lao động Trung Quốc, trong đó 100 lao động về nước ăn Tết và không thể quay trở lại Indonesia vì dịch bệnh, công ty này cũng đồng thời ngưng thuê lao động Trung Quốc mới. Các công ty xây dựng Singapore nói rằng họ cũng mất nhiều lao động từ Bangladesh do phát hiện tới 5 công nhân Bangladesh nhiễm virus corona. Cho đến nay, Singapore phát hiện 90 ca nhiễm. Hầu hết các doanh nghiệp Singapore kì vọng thiếu hụt lao động sẽ không diễn ra lâu nếu dịch bệnh sớm được kiểm soát và lệnh cấm di chuyển được tháo bỏ, nhưng giờ họ vẫn đang phải đối mặt với thiếu hụt nghiêm trọng chuỗi cung ứng.
Ngành sản xuất lao đao
Ở Myanmar, công ty Dịch vụ Vận tải Toàn cầu Winner luôn có công nhân tất bật làm việc, nhưng nhịp độ này đã không còn như trước, từ 200 container chở hàng hóa mỗi tháng, giờ công ty này chỉ phải giải quyết 40 container kể từ dịch bệnh bùng nổ.
Cùng lúc đó, số container từ Trung Quốc đến Philippines giảm 62,5% trong 18 ngày đầu tháng 2, do nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Philippines đến từ Trung Quốc, dịch virus corona sẽ tác động rất xấu tới các nhà máy, nhà phân phối và nhà bán lẻ ở nước này.
Indonesia có 90% số lượng tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc cũng phải đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung cấp tỏi. Giá tỏi ở nước này hiện tăng đến 70% chỉ trong 1 tuần.
Lý giải điều này, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng OCBC -Wellian Wiranto cho rằng dù nhiều quốc gia không phụ thuộc trực tiếp vào chuỗi cung ứng Trung Quốc, nguồn cung ứng của họ ít nhiều sử dụng nguyên liệu thô từ Trung Quốc. Ví dụ với hãng thời trang bán lẻ Uniqlo, Trung Quốc có đến hơn nửa số nhà máy hãng này, trong khi chỉ có 20% nhà máy ở Việt Nam – nhưng các nhà máy ở Việt Nam vẫn sử dụng phần lớn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đồng thời là nhà cung cấp chính của nước táo và vitamin C – hai nguyên liệu chính cho nhiều công ty sản xuất đồ uống. Nước này cũng đồng thời ngừng nhập khẩu tôm hùm khiến giá tôm hùm Úc giảm từ 50% đến 80%.
Trong khi đó, các sản phẩm từ Thái Lan hiện mắc kẹt ở cảng Trung Quốc do không có đủ phương tiện vận chuyển trên đất liền. Các sản phẩm này bao gồm cao su, sắn, hoa quả đông lạnh và hoa quả khô, gà đông lạnh, và màn hình điện thoại. Điều này tác động trực tiếp đến công nghiệp cao su Thái Lan, nhất là dòng vốn do thiếu đơn đặt hàng.
Nhu cầu đa dạng nguồn cung ứng
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore - Chan Chun Sing nói rằng nước này đang đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm đối phó với dịch virus corona: khoảng 4,7 tỷ USD được chính phủ chi trả nhằm hỗ trợ các công ty và cá nhân vượt qua dịch bệnh, và kế hoạch đảm bảo nước này có thể sớm ở trạng thái hoàn toàn phục hồi kinh tế. Kế hoạch này bao gồm việc các doanh nghiệp Singapore xem xét lại nguồn lao động và chuỗi cung ứng để đảm bảo không phụ thuộc hoàn toàn vào một nguồn cung ứng hay thị trường độc tôn. Ông này cũng phát biểu rằng Singapore sẽ kiểm soát kĩ nguồn cung ứng của từng linh kiện hay bộ phận để đảm bảo chuỗi cung ứng của mình có thể vận hành nhịp nhàng với ít gián đoạn nhất.
Tuy vậy, việc các công ty này có thể đa dạng hóa nguồn cung ứng đến mức nào vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, nhất là với quy mô cung ứng quá lớn của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của thị trường nước này. Một nửa số sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; gần một nửa số sản phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ; trong khi hơn 20% sản phẩm nhập khẩu vào Malaysia đến từ Trung Quốc.
Quan ngại tiếp theo là khả năng lây lan của dịch virus corona đến những chuỗi cung ứng khác ngoài Trung Quốc. Việt Nam được đánh giá là nguồn cung ứng tiềm năng nhất cho đến thời điểm này, nhưng chuyên gia kinh tế lo ngại bùng nổ dịch bệnh trên toàn cầu có thể giáng đòn đến cả chuỗi cung ứng nhỏ hơn này.