Cơ hội “vàng” cho ngành chăn nuôi gia cầm

21/12/2019 09:00 GMT+7
Các nước phát triển có tỉ lệ thịt heo chỉ 20-30% trong cơ cấu thịt, trong khi Việt Nam thịt heo chiếm tới 70%. Đây là cơ hội để chuyển đổi cơ cấu này sang hướng tiêu dùng nhiều thịt gà, vịt hơn bởi đây là nguồn cung cấp rất dễ tái đàn, khả năng tăng trưởng nhanh, giá thành rẻ hơn nhiều so với nuôi heo.

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thịt lợn như một nguồn cung cấp protein chủ yếu cho mỗi bữa ăn gia đình. Bởi vậy không khó hiểu khi thịt lợn luôn chiếm tỉ trọng cao nhất và dường như là một nguồn thực phẩm không thể thiếu. 

Cơ hội “vàng” cho ngành chăn nuôi gia cầm  - Ảnh 1.

Với cơ cấu mà tỉ trọng thực phẩm quá nghiêng về thịt lợn như hiện nay vô hình chung khiến ngành chăn nuôi tại Việt Nam mất cân đối, thực tế chứng minh việc tăng trưởng quá nóng ở ngành chăn nuôi lợn đã gây hệ lụy to lớn về môi trường và dịch bệnh trong suốt thời gian qua, điển hình là dịch tả lợn Châu Phi.

Tổng cục Thống kê nhận định, nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn cho dịp Tết nguyên đán 2020, bởi tính đến thời điểm hiện, dịch tả đã khiến Việt Nam phải tiêu hủy gần 6 triệu đầu lợn, sản lượng xấp xỉ 400.000 tấn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thịt của Việt Nam.

Ngành chăn nuôi lợn gặp khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội vàng để ngành chăn nuôi gia cầm đầu tư nâng cao năng lực, năng suất sản xuất, tăng trưởng, phát triển bền vững bắt kịp xu thế và cơ cấu chăn nuôi của các nước phát triển.

Từ trước tới nay, ngành chăn nuôi gia cầm chưa được đầu tư đúng mức, bởi vậy ít có cơ hội được phát triển đúng với tiềm năng của nó. Giá gia cầm nói chung và giá gà nói riêng thường xuyên có sự biến động. Người nông dân thường chăn nuôi theo kinh nghiệm mà ít có sự đầu tư bài bản, theo chuỗi giá trị. Toàn ngành chưa có sự quản lí và cân đối giữa nhập khẩu và thị trường trong nước, bởi vậy mà khi có đòn bẩy rất lớn là dịch tả lợn châu Phi, giá gà vẫn có thời điểm "rớt giá thảm hại".

Cơ hội “vàng” cho ngành chăn nuôi gia cầm  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 12, giá gà đã có sự khởi sắc trở lại. Cụ thể, gà ta sống giá từ 130.000 - 140.000 đồng/kg, cánh gà công nghiệp 80.000 – 85.000 đồng/kg, đùi gà dao động 75.000 - 80.000 đồng/kg, ức gà 60.000 - 65.000 đồng.

Không chỉ tại chợ truyền thống, trong các siêu thị như Vinmart, Big C, Hapro cũng trong tình trạng tương tự. Hiện tại siêu thị Vinmart đùi gà PC 95.000 đồng/kg, cánh gà 87.000 đồng/kg, đùi gà tháo khớp 80.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp 110.000 đồng/kg, má đùi gà công nghiệp PC 73.000 đồng/kg, Phi lê gà công nghiệp 82.000 đồng/kg...

Dự đoán trong tháng cuối năm và đầu năm 2020, gia cầm sẽ là nguồn cung cấp thịt chủ yếu thay thế cho thịt lợn. Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, gà công nghiệp là giống ngắn ngày, chỉ khoảng 1 - 2 tháng đã cho xuất chuồng nên không lo thiếu nguồn cung. Ngoài ra, một lượng lớn thịt gà nhập khẩu cũng đã được nhập về kho đông lạnh, trong 10 tháng qua, có trên 110.000 tấn thịt gà được nhập khẩu vào Việt Nam với giá chưa đến 20.000 đồng/kg.

"Như vậy, với các yếu tố như: Vòng sản xuất ngắn, tổng đàn lớn, số lượng thịt gà nhập khẩu cao... sẽ không lo nguồn cung thịt gà thiếu trong dịp cuối năm và Tết." bà Nga khẳng định.

Hiện nay, gà công nghiệp trắng ở các doanh nghiệp FDI chiếm 80% thị phần, các doanh nghiệp đều có kế hoạch tăng đàn, nhưng chưa có động thái về hướng xuất khẩu, nếu như vậy khi cung vượt cầu, thiệt hại lớn nhất là người chăn nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các loại thịt nhập khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm...
Mai Trang
Cùng chuyên mục