Đại thắng "cuộc đua" lúc nửa đêm, ông chủ đứng sau Intimex Group là ai?
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại với lượng 400.000 tấn trong tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã cử quân số "trực" trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) để đăng ký. Chỉ trong 3 tiếng, từ 0 giờ đến 3 giờ sáng ngày 12/4, số lượng gạo được phê duyệt xuất khẩu "đã có chủ".
Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex của ông Đỗ Hà Nam có tới 102 tờ khai, đứng đầu trong danh sách khi đăng ký được 96.234 tấn, chiếm gần 25%.
Trên báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group cho biết, dù may mắn đăng ký được nhưng doanh nghiệp này hiện vẫn tồn kho gần 40.000 tấn gạo. "Mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp chậm chân, không xuất khẩu được là chuyện hết sức bình thường", ông Nam nói.
Theo tìm hiểu, CTCP Tập đoàn Intimex được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu (XNK) Intimex tại TP.HCM,và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 6/2006. Năm 2011, XNK Intimex đổi tên thành CTCP Tập đoàn Intimex (Intimex Group), trụ sở chính đặt tại số 61 Nguyễn Văn Giai, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Chủ tịch HĐQT là ông Đỗ Hà Nam.
Khởi điểm ban đầu là một công ty và ba chi nhánh nhỏ với vốn điều lệ 14,4 tỷ đồng. Qua 6 lần điều chỉnh tăng, số vốn điều lệ của Intimex Group tính đến tháng 6/2019 đạt mức 348 tỷ đồng. Công ty hiện có quy mô gồm 900 lao động, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm và doanh thu hàng năm đạt trên 40.000 tỷ đồng.
Trên website, Intimex tự giới thiệu làm "Tập đoàn lớn mạnh, và là một trong những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam ở các lĩnh vực: chế biến, xuất khẩu nông sản (cà phê, hồ tiêu, gạo, hạt điều…); nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, sắt thép; kinh doanh siêu thị và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng…", đồng thời có mạng lưới hoạt động "đa ngành, đa nghề, đa quốc gia".
Thêm vào đó, Intimex Group còn là chủ của nhà máy cà phê hòa tan hiện đại nhất thế giới tại Bình Dương. Nhà máy chế biến cà phê hòa tan Intimex Bình Dương được đầu tư xây dựng trên dây chuyên công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới của Tập đoàn GEA Niro (Đan Mạnh), với công suất 550 kg/giờ, ước đạt 4.000 tấn cà phê hòa tan/năm với giá trị đầu tư 30 triệu USD. Nhà máy này đã được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019 và Vietinbank chính là nhà tài trợ vốn chính cho dự án này.
Vai trò của nhà băng này cũng từng được Chủ tịch Đỗ Hà Nam (SN 1956) cho biết là đơn vị đồng hành, và là điểm tựa tài chính vững vàng cho Intimex Group trong nhiều dự án.
Ngoài Intimex, doanh nhân sinh năm 1956 này còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Bê tông Hòa Cầm (mã HCC) và CTCP Mascopex, cả hai công ty này đều là thành viên của Intimex Group. Bên cạnh đó, ông Nam còn là Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).
Liên quan đến việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm, mới đây,Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xuất khẩu gạo. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ Tài chính cần nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng yêu cầu bộ này báo cáo việc triển khai văn bản 2827 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hai Bộ này có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18/4.