Đất nền TP.HCM khan hiếm, ngoại tỉnh dồi dào

03/04/2020 09:08 GMT+7
Sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giới đầu tư cân nhắc nhiều hơn trước khi xuống tiền ở phân khúc đất nền.

Theo DKRA, trong 3 tháng đầu năm, thị trường TP.HCM ghi nhận có 335 nền được bán ra thị trường, tập trung chủ yếu tại huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Củ Chi, nhưng sức tiêu thụ cũng chỉ ở mức tương đối tốt, đạt khoảng 75%.

Ngược lại, tại thị trường các tỉnh giáp ranh TP.HCM đón nhận nguồn cung khá dồi dào so với cuối năm 2019, riêng trong tháng 1 và tháng 2 có khoảng 1.742 nền. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ khá thấp, khi tỷ lệ hấp thụ tại các thị trường vùng ven như Bình Dương, Long An, Đồng Nai lần lượt là 45,5%, 11,3% và 55,6%.

Đất nền TP.HCM khan hiếm, ngoại tỉnh dồi dào - Ảnh 1.

Cơn sốt đất "ảo" diễn ra tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cuối tháng 2. Ảnh: Văn Nguyện.

Hiện tượng sốt đất cục bộ diễn ra vào cuối tháng 2, tại huyện Châu Đức, tinh Bà Rịa - Vũng Tàu với thông tin Tập đoàn Vingroup nghiên cứu lập kế hoạch 2 dự án tại đây. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ diễn ra chủ yếu ở đất dân hộ lẻ và "sốt ảo" trong thời gian ngắn.

Điều này cho thấy thị trường đất nền vùng ven khá trầm lắng so với những năm trước, sức cầu chung của thị trường cũng khá thấp.

Nguyên nhân được cho là mặt bằng giá bán hiện nay ở nhiều khu vực đã tăng khá cao trong những năm trước đó. Đồng thời, thời gian nghỉ tết kéo dài, tiếp sau là dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư chung của thị trường.

Ông Lê Tuấn, 47 tuổi, một người chuyên đầu tư đất nền khu vực vùng ven cho biết thị trường lúc này không thật sự hấp dẫn do những bất trắc của nền kinh tế.

"Năm 2019, đất nền vùng ven có nhiều dự án ma mọc lên khắp nơi, khiến tôi mất niềm tin hơn vào thị trường. Đầu năm nay lại có thêm dịch Covid-19 khiến tâm thế đầu tư càng giảm, người đầu tư hiện tại chỉ muốn đảm bảo tài sản an toàn thay vì mạo hiểm", ông Tuấn chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA cho biết nhiều khách hàng quan tâm hoặc có nhu cầu mua bất động sản vào thời điểm này đều có tâm lý rất thận trọng, thậm chí tạm dừng kế hoạch mua bất động sản.

"Lý do là tình hình tài chính của họ đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tâm lý phòng thủ, muốn chờ đợi theo dõi diễn biến của thị trường trong thời gian sắp tới. Sự e ngại này đang là tâm lý chung của cả chủ đầu tư và đơn vị môi giới", ông Hoàng nói thêm.

Hà Bùi/Zing
Cùng chuyên mục