Đề nghị xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi
Sáng nay 20/5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Báo cáo cho biết cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cử tri nhân dân cũng bày tỏ nhiều lo lắng trước những khó khăn, thách thức của đất nước. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể; lao động mất việc làm, thiếu việc làm tăng.
Cử tri và nhân dân cũng rất bất bình, lên án cán bộ ở một số địa phương lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi. Theo đó, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, cử tri và nhân dân còn lo lắng về tình trạng lừa đảo, tín dụng đen, tình trạng băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động tại một số địa phương.
Cùng với các vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng..., cử tri và Nhân dân đánh giá cao chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đồng tình với các giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông; ghi nhận kết quả và những dấu ấn đậm nét, thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện hiệu quả phương án phát triển kinh tế - xã hội trong tình mới, gắn liền với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, tiếp tục có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học - công nghệ; chỉ đạo Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương chú trọng đa dạng hóa thị trường, ưu tiên phát triển thị trường trong nước; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để bảo đảm kế hoạch, chương trình dạy học và nội dung, kiến thức của học sinh, sinh viên, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính; tiếp tục mở rộng các dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn nữa đối với người dân, doanh nghiệp.