DN Việt loay hoay giữa vòng xoay “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”
Những câu hỏi còn để ngỏ của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
20 năm tính từ thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, bức tranh kinh tế tư nhân Việt Nam tới nay đã có nhiều sự thay đổi. Từ tâm lý còn rụt rè vì chưa được định danh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bảo nhau “cứ sợ béo lên là bị thịt”.
Đến nay, kinh tế tư nhân đã là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Ngày càng có nhiều người trẻ khởi nghiệp trong làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đây là lúc các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách phải trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực, doanh nghiệp tư nhân thực sự trưởng thành?”.
Một vài lần trò chuyện với người viết, TS. Võ Trí Thành từng nhìn nhận, các rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều, bủa vây ở nhiều phía. Trong đó, vấn đề cần lưu tâm là quyền tài sản còn lớn hơn cả quyền sở hữu.
Theo ông Thành, dù Chính phủ đã có những chính sách nhằm kiến tạo môi trường phát triển cho kinh tế tư nhân, song cơ bản mới xử lý được vấn đề gia nhập thị trường. Còn yếu tố cạnh tranh - vốn là trái tim thị trường, hay chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, việc rút lui khỏi thị trường vẫn còn thấp. Do đó, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo ra động lực bứt phá thực sự cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam hiện nay tuy có nhiều doanh nghiệp to (doanh số, lao động) nhưng chưa có doanh nghiệp lớn, mà chỉ có một số doanh nghiệp “tập làm người lớn”.
5 năm vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi đáng kể nhận thức của xã hội theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, Vingroup, Vinamilk, Viettel, Techcombank... cùng nhiều doanh nghiệp khác đang chuyển hướng đầu tư từ tập trung cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ sang lĩnh vực công nghệ, R&D. Bản thân họ cũng đã làm được những công trình lớn và phức tạp.
Tuy nhiên, ông Võ Trí Thành vẫn bày tỏ sự lăn tăn về xã hội. Bởi cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp lớn, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam cũng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
"Tôi nghĩ rằng xã hội nhìn vào những vấn đề này còn "lăn tăn" ở sự quang minh chính trực. Tiếp nữa là chúng ta giàu lên vẫn còn dựa vào tài nguyên sẵn có, đó chưa phải là xu thế của thế giới, và thứ ba là khoảng cách giàu nghèo", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đình Cung - một trong số các thành viên tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999, cho rằng: “Quyền tự do kinh doanh vẫn còn bị hạn chế bởi một số ngành vẫn áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp chỉ được làm những gì nhà nước cho phép như các ngành tài chính, ngân hàng, tư vấn pháp lý.
Điển hình cho tư duy này chính là việc hạn chế trong việc mở ra mô hình kinh doanh mới, những sản phẩm, dịch vụ mới trong thời đại 4.0. Chúng ta không bắt kịp quá trình chuyển đổi số một phần do cách tiếp cận này”.
Theo ông Cung, quyền tự do kinh doan bị hạn chế do các quy hoạch bất hợp lý của các ngành, địa phương. Bên cạnh đó, quyền tự do kinh doanh mới chỉ chủ yếu trong phạm vi: “Kinh doanh cái gì?”.
Trong khi câu hỏi: “Kinh doanh như thế nào?” hay “Kinh doanh bao nhiêu?”, tới nay vẫn để ngỏ.
Doanh nghiệp loay hoay giữa vòng quay “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng"
Đối với vấn đề tăng an toàn, giảm rủi ro trong kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung nhận xét, viẹc tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn là một thách thức. Do rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng, không đoán định được.
Dẫn chứng con số 20 bộ Luật được Quốc hội ban hành mỗi năm. Ông Cung cho hay, từ số lượng bộ Luật nêu trên, Chính phủ sẽ ban hành khoảng 100 Nghị định. Rồi Bộ chủ quản tiếp tục ban hnahf 600 – 700 Thông tư. Còn số lượng văn bản điều hành có thể lên tới hàng nghìn.
“Một luật có khoảng 10 Nghị định, một Nghị định có khoảng 6 – 7 Thông tư, suy ra một luật có hàng trăm Thông tư. Như vậy, Luật có thể không đổi, nhưng Nghị định có thể thay đổi được, tính bất định giữa Luật và Nghị định là có. Tính bất định càng cao hơn với cấp Thông tư vì thông tư vì chúng gần như nằm trong ý chí, thẩm quyền của các Bộ.
Vậy nên, một vấn đề có thể có 3 – 4 Bộ cùng quản. Nhiều khi đúng với Bộ này nhưng sai với Bộ khác, đúng với Thông tư này vẫn có thể sai với Thông tư khác, đúng với thông tư trước thì sai với thông tư sau, còn loại văn bản hướng dẫn thi hành thì tùy ý. Cho nên thực thi chính sách của Việt Nam là sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng. Điều này phụ thuộc vào tâm trạng của người thực thi”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Rủi ro nêu trên đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đồng thời, là nguồn gốc của những rủi ro trong việc tuân thủ luật pháp ở Việt Nam.