Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giá trị sản phẩm nông nghiệp tới từ nhu cầu của thị trường

01/01/2025 07:15 GMT+7
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giá trị sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, do đó cần thay đổi tư duy, cung cấp những sản phẩm mà thị trường cần.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới" ngày 31/12, tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát triển sản, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Nâng cao năng lực dự báo thị trường

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết rất trăn trở với câu hỏi về chế biến sâu. Chế biến sâu là một, kết nối doanh nghiệp là hai khâu chúng ta đang yếu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng khẳng định hiện tại chúng ta đang sản xuất những sản phẩm chúng ta có, chưa có nhiều sản phẩm thị trường cần. Tư duy sản xuất, tư duy thị trường rất quan trọng. Chúng ta phải thay đổi tư duy, nghiên cứu nhu cầu thị trường, nghiên cứu mong muốn khách hàng.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp tới từ nhu cầu của thị trường - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng cũng khẳng định trách nhiệm nghiên cứu thị trường, định hướng, quy hoạch thương hiệu, thị trường.. thuộc về Chính phủ dựa trên báo cáo của các Bộ, ngành. Song song, Bộ KH&ĐT phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ở nông thôn, đầu tư vào nông nghiệp về thuê đất, thuế, phí, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.. Muốn chế biến sâu nông sản phải đi theo một loạt giải pháp như trên.

Trong sản xuất nông nghiệp thì điều đầu tiên phải xây dựng và lan tỏa thương hiệu nông sản. Theo Thủ tướng, thương hiệu có vai trò rất quan trọng. Thủ tướng lấy ví dụ, khi nhắc tới cà phê là người ra nghĩa ngay đến Brazil, trong khi giá cao gấp đôi so với cà phê của Việt Nam. Để lan tỏa thương hiệu nông sản, Thủ tướng cho rằng, cần sự vào cuộc của Bộ KH&CN, cơ quan báo chí truyền thông và từ chính người nông dân.

Khi sản xuất thì điều đầu tiên thì chúng ta phải nắm được thị trường đang cần sản phẩm gì chứ không phải sản phẩm chúng ta đang có.

Cùng với trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, người nông dân cũng phải thay đổi tư duy. Theo Thủ tướng, liên kết doanh nghiệp với người nông dân và chế biến sâu đang là 2 khâu đang yếu, cần nỗ lực hơn. Để giải quyết bài toán này, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên thuế đất, phí lệ phí, ưu đãi tín dụng…

Những giá trị đến từ chính câu chuyện sản phẩm

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chúng ta cần nhất quán chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp đôi khi đến từ những thứ rất đơn giản.

Ví dụ, cây đu đủ khi phát triển tự nhiên cây đu đủ bình thường, nhưng nếu biến nó thành cây bonsai thì giá trị kinh tế nâng lên rất nhiều lần. Đồng thời, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chúng ta buộc phải học. Và không cần phải học đâu xa xôi. Hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như chính ngôi nhà, khu vườn, không gian xung quanh nơi mình sống.

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan nêu thêm một ví dụ về câu chuyện sản phẩm do nông dân Tráng A Chu ở Vân Hồ (Sơn La) tự xây dựng. Khi mới khởi nghiệp anh này không có gì, ngoài ngôi nhà nhỏ chỉ có thêm chuồng bò. Nhân sự là 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Anh Chu làm du lịch từ những thứ thân thuộc của đời sống xung quanh, là chính ngôi nhà, không gian nơi anh ta sống. Giới thiệu văn hóa bằng cách cả gia đình cùng tham gia múa xòe ở sân nhà…

Chỉ sau vài năm bắt đầu từ những điều nhỏ bé, đơn giản, hiện homestay Tráng A Chu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Giá trị sản phẩm nông nghiệp tới từ nhu cầu của thị trường - Ảnh 2.

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện nay Chính phủ cũng khuyến cáo các địa phương gắn phát triển sản xuất gắn với thương mại và du lịch sinh thái để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn theo chuỗi giá trị. Cùng đó hỗ trợ người nông dân tiếp cận thị trường khi dư địa nội địa còn rất lớn.

Để sản phẩm tiếp cận được thị trường trong nước, chúng ta cũng phải chứng minh được chất lượng của mình trước. Chúng tôi đã có chiến lược tiếp cận thị trường trong nước phải đặt lên hàng đầu, sau đó là tiếp cận các thị trường thế giới.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã tổ chức đưa khách hàng khắp nơi trên thế giới về các tỉnh, địa phương để du khách tìm hiểu rõ về các sản phẩm và để tạo kích cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn trong các hiệp định, Bộ có sổ tay, chương trình quảng bá trên truyền hình...

Hiện 40% kinh phí xúc tiến thương mại được bố trí cho xúc tiến nông nghiệp và sắp tới sẽ nâng giá trị gói, để các doanh nghiệp mang hàng ra thế giới đạt hiệu quả cao hơn, thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ xây dựng dữ liệu khu vực dùng chung để các đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin xuất khẩu đạt hiệu quả cao hơn.

Đây là vấn đề quan trọng, không chỉ có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành mà các cấp ủy chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để triển khai hiệu quả hơn.

Vũ Khoa
Cùng chuyên mục