Doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng góp 25-28% GDP
Doanh nghiệp nhà nước vốn lớn song hiệu quả hoạt động vẫn thấp.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư số lượng doanh nghiệp trong năm 2019 sẽ tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ. Dự kiến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt khoảng 140.000 doanh nghiệp.
Về vốn FDI, Bộ này dự báo: "Vốn đăng ký khó có khả năng tăng mạnh trong các năm tới. Ước thực hiện vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 sẽ đạt 18 -19 tỷ USD. Vốn đăng ký năm 2019 dự báo đạt khoảng 30 - 35 tỷ USD".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự kiến năm 2019 cần phải thực hiện cổ phần hoá hơn 100 doanh nghiệp, thoái vốn tại 193 doanh nghiệp.
Cũng theo báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đến cuối năm 2018, cả nước có 490 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn, trong đó có 6 tập đoàn kinh tế, 55 tổng công ty. Tổng tài sản của khối này ước đạt 1.843,3 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.040,5 nghìn tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2018 đạt 193.510 tỷ đồng, tổng số lãi đạt 26.425 tỷ đồng.
"Doanh nghiệp nhà nước vẫn duy trì đóng góp từ 26 -28% tăng trưởng GDP, chiếm 24,82% ngân sách năm 2018", báo cáo nêu.
Về khối doanh nghiệp FDI, tính đến hết năm 2018, tổng vốn đăng ký và cấp mới của nhà đầu tư nước ngoài đạt 35,5 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017, song mức tăng này đã giảm so với năm 2017.
Tính tổng đến hết năm 2018, số doanh nghiệp đang hoạt động là 715.000 doanh nghiệp, trong khi số luỹ kế đoanh nghiệp đăng ký thành lập đến nay khoảng 1,3 triệu doanh nghiệp. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động chỉ đạt khoảng 55% tổng số doanh nghiệp thành lập mới.
Kinh doanh bất động sản; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; Xây dựng…vẫn là những nhóm ngành quan trọng được doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất.
"Xu hướng phát triển của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khá tích cực, đó là sự tăng trưởng về tỷ trọng của nhóm doanh nghiệp quy mô vừa, nhóm quy mô nhỏ. Nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ tuy vẫn tăng về số lượng, nhưng đã giảm về tỷ trọng từ 71,86% xuống còn 65,52%", báo cáo nêu.
Từ những nhận định đó, Bộ này kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa các Luật Đất đai, Luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp… Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nghiên cứu xây dựng Đề án hình thành liên đoàn kinh tế tư nhân nhằm pháy huy tối đa sức mạnh nguồn lực từ khu vực này.
Bộ cũng nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, về ứng dụng chuyển giao công nghệ, sử dụng năng lượng…trong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.