Doanh nghiệp, trường học Nhật Bản mở cửa bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng

20/03/2020 10:50 GMT+7
Các doanh nghiệp và trường học ở Nhật Bản đang dần mở cửa trở lại bất chấp kêu gọi đóng cửa tự nguyện của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng trước. Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào cân bằng lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng khi dịch virus corona bùng phát nghiêm trọng.

Tại tỉnh Nagasaki, khu nghỉ mát Huis Ten Bosch đã mở cửa trở lại vào thứ Hai, nhưng chỉ du khách đeo khẩu trang và có thân nhiệt không cao hơn 37,5 độ C được chào đón. Quyết định mở cửa trở lại của Huis Ten Bosch minh chứng cho một sự lựa chọn khó khăn mà các doanh nghiệp và trường học Nhật Bản phải đối diện trong những tuần gần đây, sau khi Thủ tướng Shinzo Abe hôm 27/2 kêu gọi họ thực hiện biện pháp tự nguyện đóng cửa trong nỗ lực kiểm soát dịch virus corona.

Katsuhiko Sakaguchi, Chủ tịch điều hành một công viên giải trí thuộc sở hữu của công ty du lịch Nhật Bản H.I.S. cho biết: "Đã có nhiều cuộc tranh luận với cả hai luồng ý kiến ủng hộ hoặc phản đối việc mở lại công viên trong công ty, nhưng quyết định cuối cùng là do tôi đưa ra… Tôi hiểu rằng tôi vừa đưa ra một quyết định đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn bất kỳ nguy cơ lây lan dịch bệnh nào”. Trước đó, ông Katsuhiko Sakaguchi tuyên bố mở cửa lại công viên bất chấp số ca nhiễm virus corona tại Nhật vẫn có xu hướng tăng lên.

Doanh nghiệp, trường học Nhật Bản lặng lẽ mở cửa trở lại khi loạt quốc gia siết chặt phong tỏa - Ảnh 1.

Áp lực kinh tế buộc các doanh nghiệp Nhật Bản mở cửa trở lại bất chấp nguy cơ dịch bệnh

Áp lực kinh tế đặc biệt lớn ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn đã buộc nhiều doanh nghiệp quyết định mở cửa trở lại như vậy ngay cả khi chuyên gia y tế cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Cho đến sáng 20/3, Nhật Bản xác nhận 900 ca nhiễm virus corona và 32 trường hợp tử vong, theo tin tức từ Đài truyền hình NHK. Những con số này chưa bao gồm các ca nhiễm trên con tàu Diamond Princess hiện vẫn đang được cách ly. Một cuộc họp hội đồng chính phủ cùng ngày chỉ ra rằng về cơ bản, dịch virus corona đã được kiểm soát tại Nhật Bản nhưng nguy cơ lây lan vẫn còn lớn. Tuy vậy, hội đồng chuyên gia vẫn khuyên chính phủ cho phép nới lỏng các hạn chế ở những địa phương không xuất hiện ca nhiễm mới virus corona.

Một số địa phương xuất hiện số lượng ca nhiễm virus corona cao nhất cả nước như đảo Hokkaido, Thống đốc Naomichi Suzuki tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tuần sẽ được dỡ bỏ vào hôm nay, nhưng khuyên người dân hạn chế ra ngoài vào cuối tuần.

Nhật Bản cùng với Hàn Quốc và Trung Quốc là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch virus corona tại khu vực Châu Á, trước khi dịch bệnh bùng phát tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong một thông cáo chung, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển, yêu cầu hủy bỏ hoặc trì hoãn các hoạt động thể thao, triển lãm thương mại, hội nghị chuyên đề, tiệc tùng, họp hành hoặc công tác… Nhưng cho đến nay, không có một lệnh phong tỏa hay cấm triệt để nào được áp đặt như những gì chính phủ Pháp, Italy và Trung Quốc đã thực hiện. 

Jiro Yasuda, giáo sư virus học tại Đại học Nagasaki nhận định: “Từ quan điểm phòng ngừa dịch bệnh, việc cách ly tại nhà là điều nên làm. Nhưng trước hết, phải cân nhắc ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của người dân… Lệnh phong tỏa chắc chắn sẽ có tác động lớn tàn phá nền kinh tế”.

Takumi Fujinami, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Nhật Bản thì nhận định: “Không riêng Nhật Bản, các nền kinh tế trong khu vực đều có xu hướng phụ thuộc vào du lịch… Các doanh nghiệp không đủ khả năng ngừng hoạt động quá lâu. Họ muốn mở cửa trở lại ngay khi có thể”.

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh virus corona bùng phát tại Nhật Bản cũng như trên thế giới; trong bối cảnh luồng khách du lịch trong và ngoài nước giảm mạnh. 

Mitsuhiro Harada, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu tín dụng Tokyo Shoko Research chỉ ra rằng đa số các công ty sẽ gặp rắc rối về dòng vốn sau 2-3 tháng đóng cửa. Tình hình còn tồi tệ hơn với những công ty đầu tư lớn hoặc có chi phí khấu hao hoặc nợ nần lớn.

Công viên giải trí Moominvalley ở Saitama vừa khai trương năm ngoái đã hoạt động trở lại vào ngày 14/3. Tương tự công viên Huis Ten Bosch, khách ghé thăm Moominvalley cũng được tiến hành kiểm tra thân nhiệt ngay cổng vào. Một số cơ sở chỉ cho phép một số lượng khách hạn chế thăm quan để tránh tắc nghẽn và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Gần núi Fuji, Công viên giải trí GrinPa cũng mở cửa trở lại vào ngày 9/3, mặc dù nhà điều hành của GrinPa - công ty nghỉ dưỡng Pica cho hay chỉ các điểm thăm quan ngoài trời mở cửa đón khách. Du khách được yêu cầu giữ khoảng cách 1m khi xếp hàng và không bắt tay các nhân vật hóa trang trong công viên để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Doanh nghiệp, trường học Nhật Bản lặng lẽ mở cửa trở lại khi loạt quốc gia siết chặt phong tỏa - Ảnh 3.

Số ca nhiễm virus corona tại Nhật Bản vẫn đang tăng lên

Một số cơ sở giải trí trong nhà cũng đang mở cửa trở lại bất chấp những khuyến cáo từ các tổ chức y tế. Nhà điều hành rạp chiếu phim Aeon Entertainment đã mở cửa trở lại một số rạp chiếu phim tại Hokkaido, Nagoya và Osaka từ 16/3 sau 2 tuần đóng cửa vì dịch bệnh bùng phát.  

Bandai Namco Entertainment, nhà quản lý 230 công viên trò chơi khắp Nhật Bản, đã hoạt động trở lại vào ngày 16/3 với các biện pháp phòng chống virus corona như giới hạn số lượng khách, kiểm tra thân nhiệt, tăng cường hệ thống thông gió và khử trùng các điểm vui chơi thường xuyên.Nhưng công ty thừa nhận rằng "không thể đảm bảo an toàn 100%" cho du khách vì nguy cơ lây lan virus là vẫn có.

"Tôi sẽ không đến rạp chiếu phim," giáo sư Yasuda của Đại học Nagasaki nói. "Bạn ngồi cạnh ai đó trong 2-3 giờ đồng hồ ở một không gian tương đối kín. Nếu có ai đó bị nhiễm virus, tỷ lệ lây lan là rất cao”. 

Ngay cả các trường học ở Nhật Bản cũng đang xem xét mở cửa trở lại. 95% trường tiểu học và trung học tại Nhật Bản hiện vẫn đóng cửa, nhưng một số trường học đã yêu cầu học sinh đi học trở lại dựa trên nguyện vọng của phụ huynh. Các trường học ở thành phố Narita, phía đông Tokyo, là một trong số đó. Các học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi trừ giờ ăn trưa và rửa tay nhiều lần trong ngày. Vị trí ngồi được di chuyển tách biệt và học sinh được yêu cầu không giao tiếp với nhau. Các tiết học thể chất, hát nhạc cũng được hạn chế vì lo ngại tăng nguy cơ lây nhiễm virus.

Thành phố Fujiyoshida, thuộc tỉnh Shizuoka phía tây nam Tokyo, cũng mở cửa lại các trường học cho 3.500 học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Phụ huynh được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt của con hàng ngày để báo cáo với trường học.

Giáo sư Yasuda không hoàn toàn chỉ trích việc các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại. Theo ông, “cần có cách tiếp cận linh hoạt” để chiến đấu với dịch virus corona trong một trận chiến lâu dài. “Tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Chúng ta cần những phản ứng linh hoạt để đối phó với thay đổi đó”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục