Doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỗng dưng mất tờ khai hải quan
Ở cuộc họp do Bộ Công Thương chủ trì cùng các bộ, tỉnh, thành và doanh nghiệp tại TP HCM sáng 22/4, lãnh đạo một doanh nghiệp gạo ở An Giang kể, đã chuyển hàng tới cảng trước ngày 24/3 và khai báo hải quan thành công để chờ lên tàu. Tuy nhiên, vì lệnh cấm xuất khẩu gạo bất ngờ từ 0h ngày 24/3 nên gạo phải nằm tại cảng. Đến ngày 11/4, sau khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu thì họ kiểm tra thông tin hàng hóa trên tờ khai bị mất toàn bộ trên hệ thống.
"Chúng tôi đã kiến nghị Tổng cục Hải quan và nếu vẫn không được giải quyết, công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn. Hiện, chúng tôi mất hàng trăm triệu đồng cho việc lưu kho", lãnh đạo doanh nghiệp An Giang nói.
Cùng cảnh ngộ, một lãnh đạo doanh nghiệp gạo ở Long An cho biết, hàng của họ cũng nằm tại cảng từ 24/3, mỗi ngày mất 350 triệu đồng tiền lưu kho, tiền tàu và các chi phí khác chưa kể chất lượng gạo gạo có nguy cơ xuống cấp. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa được giải quyết do tờ khai hải quan trên hệ thống bỗng dưng biến mất.
"Chúng tôi mong hải quan cho thông quan sớm, chúng tôi sẵn sàng trả tiền tàu gấp 2-3 lần thông thường để mong hàng đến được với đối tác", lãnh đạo doanh nghiệp gạo Long An bộc bạch.
Không chỉ các doanh nghiệp ở Long An, An Giang gặp tình trạng này mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị mất tờ khai mà không rõ lý do dù nhiều đơn vị đã được phân luồng vàng. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị hải quan ưu tiên giải phóng lượng hàng nằm chờ cả tháng tại cảng để doanh nghiệp không bị đứt dòng tiền, thua lỗ.
Về phía Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó tổng cục trưởng - cho rằng, đã và đang yêu cầu Cục Công nghệ Thông tin khẩn trương rà soát lại tổng thể trên hệ thống và sẽ giải quyết cho doanh nghiệp ngay từ chiều nay. Ông Thành cũng giải thích, ngay thời điểm trước 24/3, tổng lượng hàng doanh nghiệp ký hợp đồng 1,3 triệu tấn gạo xuất khẩu gạo trong tháng 4. Tuy nhiên, quota xuất khẩu gạo mà Chính phủ cho phép chỉ 400.000 tấn nên tồn tại nhiều bất cập. Do đó, hải quan cũng khá lúng túng trong giải quyết.
Hiện báo cáo lượng hàng tồn kho tại cảng chưa thống nhất cụ thể, trong đó, hiệp hội gạo báo cáo cho hải quan ba lần, mỗi lần số liệu đều chênh nhau nên hải quan chậm giải quyết. Tới nay, số liệu cuối cùng mà hiệp hội cập nhật về gạo đang chờ xuất khẩu và đóng tại kho 146.000 tấn. Trong đó, lượng hàng tại cảng của cơ quan hải quan là 49.024 tấn. Hạn ngạch mà Chính phủ cho xuất khẩu trong tháng 5 đối với gạo tẻ là 100.000 tấn, gạo nếp hơn 38.000 tấn.Do đó, tháng 5 này sẽ giải quyết số hàng tồn của tháng 4.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đề nghị Hải quan xem xét và giải quyết sớm cho doanh nghiệp mất tờ khai từ chiều hôm nay để giảm bớt thiệt hại. Song song đó, ưu tiên giải quyết cho các lô hàng tại cảng trước 24/3, sau đó sẽ giải quyết tiếp lượng hàng tồn trong kho của doanh nghiệp.
Hiện, đề xuất cho phép xuất khẩu gạo nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp theo nhu cầu và không tính vào lượng hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 đã được thông qua từ hôm nay.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung và đảm bảo an ninh lương thực, đại diện UBND các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay dù bị ảnh hưởng thời tiết nhưng sản lượng khá dồi dào và tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ còn 1,5 tháng nữa là đến vụ hè thu nên không lo mất an toàn an ninh lượng thực.
Cũng cho rằng nguồn cung khá dồi dào, Hiệp hội lương thực Việt Nam đề xuất cho xuất khẩu gạo tiếp tục và nâng hạn mức xuất tiếp 200.000 tấn thay vì 100.000 tấn như hiện nay. Hiệp hội dẫn chứng, tổng số tồn kho tại doanh nghiệp đến ngày 18/4, 1,9 triệu tấn, số hợp đồng ký trước đó là 1,7 triệu tấn giao hàng đến tháng 6. Nếu xuất tiếp hợp đồng này thì tồn kho 200.000 tấn, chưa tính lượng hàng sắp thu hoạch vào tháng 6. Cho nên hiệp hội mong Bộ Nông nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho xuất khẩu gạo với hạn mức cao hơn.
Về vấn đề an ninh lượng thực, hiệp hội cho rằng muốn đảm bảo và duy trì tốt vấn đề này Việt Nam nên tham khảo thêm các nước phương Tây. Điển hình như tại Nga, dự trữ quốc gia không bao giờ giao cho doanh nghiệp xuất khẩu mà giao cho địa phương. Nếu địa phương nào thiếu lượng hàng dự trữ cho an ninh lương thực thì sẽ phải chịu trách nhiệm. Theo Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng trước đó thì nay nên giao cho các địa phương với hạn ngạch cụ thể có thể lên đến 15%. Khi kiểm tra đột xuất, địa phương nào vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm.
Trước đó, tại cuộc họp chiều 20/4, Chính phủ đã đồng ý cho tạm ứng hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tại cảng nhưng chưa có tờ khai hải quan.