Động thái của Trung Quốc đẩy giá khí tự nhiên hóa lỏng LNG toàn cầu tăng 90% trong 1 tháng
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đối diện với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, các quốc gia châu Âu và Trung Quốc đang gấp rút tìm kiếm nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng để đáp ứng nhu cầu trong nước khi một mùa đông lạnh giá sắp tới.
Sự gia tăng nhu cầu đang thúc đẩy giá LNG thế giới tăng lên mức kỷ lục. Tại các thị trường châu Á như Nhật Bản, các nhà cung cấp điện đã dự trữ nguồn năng lượng đủ để tránh tình trạng thiếu điện đẩy giá điện tăng vọt như năm ngoái. Nhưng khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch và nhu cầu tiêu thụ điện cũng theo đó tăng nhanh, các quốc gia này cũng có nguy cơ phải đối diện với sự tăng vọt giá LNG nói riêng và nhiều nguồn năng lượng khác nói chung.
Trung Quốc được đánh giá là động lực chính đẩy giá LNG lên cao khi quốc gia này nỗ lực bắt kịp mục tiêu giảm khí phát thải carbon, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2060. Điều này khiến chính phủ Trung ương yêu cầu các địa phương cắt giảm nguồn năng lượng từ than, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện trong nước. Theo chỉ đạo từ Bắc Kinh, chính quyền nhiều địa phương tại Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế sử dụng điện với hộ gia đình và nhà máy sản xuất trên địa bàn.
Theo dữ liệu từ các nguồn bao gồm công ty phân tích Kpler, Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu LNG toàn cầu trong năm nay, tăng 12% so với năm 2015. Nhập khẩu LNG của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm cũng tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 51,8 triệu tấn. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ở mức 5,61 triệu tấn trong tháng 7 và 6,65 triệu tấn trong tháng 8. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới.
Châu Âu cũng đang tăng cường nhập khẩu LNG từ các thị trường khác khi căng thẳng với Nga làm giảm nguồn cung cấp qua các đường ống ở Ukraine. Theo số liệu của Kpler, kim ngạch nhập khẩu LNG của châu Âu đã tăng 6% so với cùng kỳ lên 4,49 triệu tấn.
Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford ước tính nguồn cung khí đốt tự nhiên của châu Âu trong năm nay sẽ giảm xuống mức dưới 10% so với nhu cầu hàng năm của khu vực. Các công ty năng lượng do đó đang gấp rút thúc đẩy nhập khẩu LNG để đáp ứng nhu cầu.
Mỹ, nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, đã ghi nhận mức xuất khẩu cao kỷ lục trong 7 tháng đầu năm nay. Nhưng "các cơ sở sản xuất LNG của Mỹ cũng đang hoạt động hết công suất”, theo nhận định của ông Hiroshi Hashimoto, nhà phân tích cấp cao tại Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản
Các nhà cung cấp LNG lớn khác của thế giới, chẳng hạn như Australia và Qatar, dường như cũng không có nhiều dư địa để tăng cường sản xuất.
Nguồn cung siết chặt trong khi nhu cầu tăng vọt đang đẩy giá LNG lên cao chót vót. Giá LNG giao ngay tại thị trường châu Á đã tăng gần 90% chỉ trong 1 tháng vào đầu tháng 10 qua, đánh bại mức tăng kỷ lục hồi tháng 1 năm nay.
Không riêng giá LNG, giá dầu toàn cầu cũng đang tăng mạnh khi nhiều nền kinh tế lớn đối diện nguy cơ khủng hoảng năng lượng.
Cuộc họp mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh bao gồm Nga (OPEC+) vào đầu tuần này đã đẩy giá dầu lên mức cao kỷ lục. Giá dầu Brent có thời điểm giao dịch ở mức 82 USD/ thùng - mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay trong khi giá dầu WTI tăng vượt 78 USD/ thùng, mức cao nhất kể từ năm 2017 ngay sau phiên họp. Nguyên nhân chủ yếu là do OPEC+ chỉ thông qua việc đưa thêm vào thị trường 400.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 11. Con số này bị đánh giá là chưa đủ để hạ nhiệt giá dầu khi nhiều nền kinh tế lớn từ Trung Quốc đến Anh và châu Âu bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm năng như hiện tại.
OPEC+ hiện đang chịu nhiều sức ép từ Mỹ và Ấn Độ - các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới - trong việc tăng cung dầu sau khi giá dầu tăng ngoạn mục hơn 50% từ đầu năm đến nay.