Dữ liệu sản xuất Mỹ tệ nhất trong 1 thập kỷ, FED có lý do để tiếp tục cắt giảm lãi suất
Chỉ số PMI sản xuất thấp nhất trong 1 thập kỷ, Tổng thống Donald Trump lại chỉ trích FED
Trong một tweet ngay sau khi ISM công bố dữ liệu sản xuất tháng 9 thể hiện qua chỉ số PMI chỉ đạt 47,8, Tổng thống Donald Trump viết: "Như tôi đã dự đoán từ lâu, việc FED và Jerome Powell để cho giá trị đồng USD tăng mạnh so với tất cả các loại tiền tệ khác đã khiến các nhà sản xuất Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Lãi suất mà FED đưa ra quá cao. Không nghi ngờ gì, FED là kẻ thù tồi tệ nhất của nền kinh tế Mỹ. Thật thảm hại làm sao!"
Hồi tháng 8, PMI sản xuất của Mỹ đạt 49,1 - mức PMI thể hiện nền kinh tế Mỹ đã rơi vào giảm tốc. Nhưng đến tháng 9, PMI của Mỹ thậm chí còn thảm hại hơn, giảm mạnh xuống 47,8. Bất kỳ mức PMI nào dưới 50 đều phản ánh sự giảm tốc của sản xuất. Ngay sau khi Viện ISM công bố dữ liệu trên, chứng khoán phố Wall lập tức tụt dốc mạnh. Dow Jones giảm gần 350 điểm. Có thể thấy, thương chiến kéo dài đang khiến nền kinh tế Mỹ lao đao trông thấy.
Khi chiến tranh thương mại gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ, ông Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho chính sách tiền tệ của FED không đủ để kích thích tăng trưởng. Donald Trump từng chỉ trích các quan chức FED là "những kẻ đần độn", và FED không cắt giảm lãi suất đủ nhanh, đủ mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế Mỹ giảm tốc. Dù cho FED đã giảm lãi suất 2 lần trong năm nay với tổng mức cắt giảm lên tới 0,5%, Tổng thống Trump vẫn chưa hài lòng. Ông từng gợi ý FED giảm lãi suất về mức 0 hoặc thậm chí là âm.
Như mọi lần khác, FED không bình luận gì thêm sau lời chỉ trích từ Donald Trump.
Chủ tịch Viện quản lý nguồn cung, ông Timothy Fiore nhận định nguyên nhân chính gây ra sự giảm tốc kinh tế nói chung và sự co lại của chỉ số PMI nói riêng là sự kéo dài của xung đột thương mại Mỹ Trung. Trước đó, Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hầu như không gây tổn thương cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, dù cho nhiều dữ liệu nghiên cứu và thống kê chứng minh điều ngược lại.
Quan ngại nền kinh tế suy thoái sẽ gây bất lợi cho chiến dịch bầu cử năm 2020, ông Trump lâu nay luôn đổ lỗi cho chính sách tiền tệ của FED không đủ kích thích tăng trưởng.
FED có lý do để tiếp tục cắt giảm lãi suất
Khi FED lần đầu quyết định cắt giảm lãi suất sau hơn một thập kỷ vào tháng 7 qua, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng Trung Ương đang chịu áp lực chính trị từ Nhà Trắng khi đưa ra quyết định đó. Việc FED cắt giảm lãi suất thêm một lần vào tháng 9 càng khiến các nhà phê bình có lý do để cho rằng ngân hàng Trung Ương không còn giữ được sự độc lập trong các quyết định của mình. Nhưng tất cả giờ đây đã thay đổi. Chỉ số PMI tụt xuống mức thấp kỷ lục trong 10 năm, báo hiệu nền kinh tế tiến dần đến bờ vực suy thoái. FED rõ ràng có lý do để cắt giảm lãi suất.
Chứng khoán Mỹ hôm 1/10 đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ 23/8, ngày mà Tổng thống Trump quyết định tăng thuế 5% với toàn bộ 550 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Lúc này, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ đặt kỳ vọng vào một chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn từ FED để kích thích nền kinh tế, đặc biệt là nếu đàm phán thương mại Mỹ Trung vào 10/10 tới đây không mang đến kết quả nào đột phá. Nói cách khác, khi mà dữ liệu kinh tế của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung liên tục gây thất vọng, thị trường sẽ trông chờ các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy mức lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế.
Torsten Slok, nhà kinh tế học từ Deutsche Bank AG mới đây đã nhận định: "Nguy cơ suy thoái là hoàn toàn có thật".
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất đang tăng lên
Trên thị trường trái phiếu, dữ liệu PMI tồi tệ đã xóa sạch những kỳ vọng từ hồi tháng 9 về sự ổn định trở lại của nền kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 1,55%, mức thấp nhất kể từ hôm 6/9, giảm tới 0,25% so với mức cao kỷ lục tháng 9 là 1,80%. Kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất thêm lần nữa trong năm đã tăng từ 20% lên 35%, theo một khảo sát do Bloomberg thực hiện.
Trump có lý khi chỉ trích sức mạnh đồng USD
Không tự nhiên Tổng thống Mỹ muốn một đồng USD suy yếu hơn. Ông Trump từng giải thích trong một tweet rằng đồng USD yếu sẽ giúp các nhà sản xuất của Mỹ tăng khả năng cạnh tranh trên sân chơi thương mại toàn cầu. Theo một số góc độ, lý lẽ của Trump là đúng đắn. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh tiền tệ. Các nền kinh tế có lãi suất cao thường có xu hướng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế, điều vô hình chung củng cố sức mạnh tiền tệ. Cho đến nay, các công cụ đo lường của Bloomberg đều chỉ ra Mỹ dường như là nền kinh tế có chính sách lãi suất cao bậc nhất thế giới. Đó là trong bối cảnh các ngân hàng Trung Ương khác liên tục cắt giảm lãi suất. Ngân hàng Trung Ương Châu Âu thậm chí vừa đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục -0,5%.
Nhưng lãi suất không quyết định toàn bộ chính sách tiền tệ, và chỉ số PMI sản xuất không phản ánh đầy đủ sức mạnh nền kinh tế Mỹ. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD hồi tuần trước vẫn kỳ vọng kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng 2%, tức mức tăng trưởng tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Thị trường đừng quá bi quan
Nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra chỉ số PMI sản xuất chỉ phản ánh một phần tương đối nhỏ của nền kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ, thị trường lao động...mới là những động lực chính thúc đẩy kinh tế Mỹ. Các số liệu về tăng trưởng việc làm và dịch vụ hiện vẫn chưa được công bố, nhưng các mức dự kiến đều cho thấy triển vọng khả quan.
Hôm thứ 6, Bộ Lao động Mỹ đã dự báo tăng trưởng việc làm Mỹ trong tháng 9 có thể đạt mức 147.000, tuy thấp hơn mức tăng trưởng ngoạn mục trong tháng 8 nhưng lại vượt xa mức 130.000 hồi tháng 7. Nhìn chung, con số này dù không quá đáng mừng nhưng cũng không khiến thị trường dấy lên quan ngại suy thoái.