Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Dự án qua 3 đời Bộ trưởng vẫn trễ hẹn

04/06/2019 14:21 GMT+7
Được cho là một đại dự án giúp giải quyết vấn đề ách tắc giao thông suốt nhiều năm qua ở thủ đô Hà Nội nhưng “lời hứa” sẽ đưa vào vận hành công trình này cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ…

Viện dẫn lý do tổng thầu

Theo thông tin tư lệnh ngành giao thông cho biết, hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thách thương mại tỏng năm 2019.

Tại buổi họp báo của Bộ GTVT vào ngày 28/3, bên phía Ban quản lý dự án khẳng định đang chỉ đạo tổng thầu hoàn thiện hồ sơ và nghiệm thu, phấn đấu sẽ hoàn thành dự án này trong tháng 4. Thế nhưng cho đến nay, bước sang tháng 6, công trình này vẫn còn đang vắng bóng người dân và chưa có dấu hiệu được đưa vào sử dụng.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông 

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để giải quyết và có nguy cơ kéo dài. Nguyên nhân dễn đến tình trạng này được xác định là do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết.

Những vướng mắc này chủ yếu tập trung ở việc chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công trình; chưa cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiêm và chứng nhận an toàn hệ thống; chưa hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng,…

Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể cũng đã nhấn mạnh, “Bộ Giao thông vận tải đã và sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan thực hiện”.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ ra rằng, những khó khắn vướng mắc đang tồn đọng còn do đây là một dự án lớn, công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Bên cạnh đó, năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư với dự án lớn về lĩnh vực đô thi cũng còn có nhiều hạn chế.

Các tư vấn tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý,những quy trình thủ tục ở nước ta cũng là nguyên nhân dẫn đến quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều vướng mắc. Theo ông Thể, kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu nên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công,…

Giải pháp nào cho những dự án trễ hẹn?

Để giải quyết vấn đề khó khăn ở đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng như các tuyển khác đang được khởi công, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiển độ dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, nâng cao kỷ cương trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là đối với Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát. Bắt buộc các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng phải triệt để tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng; đẩy mạnh công tác quản lý đấu thầu.

Bộ cũng nhấn mạnh về các giải pháp tăng cường kiểm tra hiện trường, thực hiện công tác kiểm định độc lập để kiểm soát tốt tiến độ, chất lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Những chỉ đạo đưa ra của Bộ GTVT nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn, vướng mắc hiện nay ở dự án Cát Linh – Hà Đông cũng như một vài dự án khác liệu có đạt được kết quả như mong muốn hay không còn phải chờ khi dự án hoàn thành và đưa vào vận hành mới có thể kết luận.

Đặc biệt, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 4-6/6 với 4 nhóm vấn đề chính về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém sẽ làm nóng Nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội đưa ra. Câu chuyện trễ hẹn của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng sẽ được xem là một điểm “nóng’ trong phiên chất vấn này.

Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Dự án Cát Linh – Hà Đông đã kéo dài gần 11 năm, đã 8 lần lỡ hẹn và qua 3 đời Bộ trưởng nhưng vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy dự án này sẽ được đến gần với người dân hơn. Những dịch vụ tiện ích trên tàu, nhà ga như cây rút tiền tự động ATM, máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi,… bao giờ mới có thể “bấm nút” mở cửa đón dân vẫn còn phải chờ câu trả lời từ phía Bộ GTVT.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục