Giá cà phê hai sàn đảo chiều ngược lại, cà phê nội quay đầu giảm cuối tuần

11/03/2023 13:16 GMT+7
Dữ liệu xuất khẩu từ hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã khiến giá cà phê kỳ hạn biến động trái chiều. Trong nước, giá cà phê hôm nay (11/3) quay đầu giảm 400 đồng/kg tại các địa phương.

Giá cà phê hôm nay 11/3: Giảm 400 đồng/kg trong ngày cuối tuần

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 28 USD, xuống 2.140 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 26 USD, còn 2.131 USD/tấn, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 2,75 cent, lên 177,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 2,50 cent, lên 177,10 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.

Giá cà phê hai sàn đảo chiều ngược lại, cà phê nội quay đầu giảm cuối tuần - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 11/03/2023 lúc 12:30:02 (delay 10 phút)

Giá cà phê hai sàn đảo chiều ngược lại, cà phê nội quay đầu giảm cuối tuần - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 11/03/2023 lúc 12:30:02 (delay 10 phút)

Giá cà phê hai sàn đảo chiều ngược lại, cà phê nội quay đầu giảm cuối tuần - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 11/03/2023 tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 47.400 - 47.800 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô hôm nay ngày 11/03/2023 tại các tỉnh Tây nguyên giảm 400 – 500 đồng, xuống dao động trong khung 47.400 - 47.800 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 47.400 đồng/kg. Kế đến là Gia Lai và Đắk Nông với cùng mức 47.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk tăng lên mức 47.800 đồng/kg - cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục xu hướng trái chiều nhưng ngược lại, màu xanh cho giá cà phê Arabica ở New York. Trong khi giá cà phê Robusta gặp bất lợi ngay sau báo cáo của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu tháng 2 đạt 200.056 tấn (khoảng 3,334 triệu bao), tăng mạnh tới 40,35% so với tháng trước và cao hơn ước tính ban đầu ở mức 3 triệu bao. Điều này đã làm giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé) công bố dữ liệu cho thấy tổng xuất khẩu cà phê trong tháng 2 (bao gồm cà phê hạt+cà phê rang xay+cà phê hòa tan) đạt 2,396 triệu bao, giảm 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lũy kế xuất khẩu cà phê các loại trong 8 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 chỉ đạt 24,621 triệu bao, giảm hơn 7,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cecafé giải thích nguyên nhân xuất khẩu năm nay sụt giảm là do giá bình quân xuất khẩu giảm tới 13% so với cùng kỳ. Dữ liệu của Cecafé cũng chỉ rõ trong 2 tháng đầu năm 2023 Brazil đã xuất khẩu tổng cộng 5.226 triệu bao, giảm 25,4%, từ 7,008 triệu bao trong hai tháng đầu năm 2022, xuống còn 5,226 triệu bao.

Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia bày tỏ quan ngại sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao nửa đầu năm nay chỉ đạt khoảng 5 triệu bao, giảm 4,8% so với cùng kỳ do thời tiết không thuận lợi cho sản xuất.

Giá cà phê hai sàn đảo chiều ngược lại, cà phê nội quay đầu giảm cuối tuần - Ảnh 4.

Giá cà phê nội địa tháng 2 tăng mạnh dù xuất khẩu giảm sút.

Trong hai tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg). Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê dao động trong khoảng 46.700 - 47.100 đồng/kg.

Ở chiều tiêu thụ, theo số liệu ước tinh của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khầu cà phê trong tháng 2 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 393 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 27% về trị giá so với tháng 1. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái con số này tăng 29% về lượng và tăng 22% về trị giá.

Tuy nhiên cả tháng 1 năm nay và tháng 2 năm ngoái đều là thời điểm Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ giảm sút nên con số xuất khẩu cà phê trên đều được so sánh với nền thấp, tạo ra sự tăng trưởng. Trên thực tế, nếu tính chung luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Tháng 2, giá cà phê xuất khẩu ước đạt mức 2.182 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 1, nhưng giảm 4% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.180 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, giá cà phê nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm bất chấp việc tiêu thụ giảm sút.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ gia tăng trở lại sau hai năm giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19 và lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại trước sự nổ lực điều hành lãi suất tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2022- 2023 dự kiến tăng hơn 800 nghìn bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ, nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.

Trong khi đó, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao (bao 60kg), giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục