Giá cá tra tăng mạnh, dân phấn khởi, doanh nghiệp phập phồng lo

25/02/2022 16:35 GMT+7
Giá cá tra tăng lên 30.000 đồng/kg, nhiều nông dân phấn khởi vì có lãi; trong khi đó, doanh nghiệp thì tỏ ra thận trọng, thậm chí lo lắng vì mức tăng đột ngột khiến nhiều đơn vị không thể mua cá ngoài.

Giá cá tra sẽ tăng mạnh vào cuối năm?

Trên VOV, ông Nguyễn Văn Đời, cũng như nhiều người nuôi cá tra thương phẩm ở cồn Tân Phong, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì từ Tết cổ truyền đến nay, giá cá tra tăng ở mức cao. 

Ông Đời cho biết, gia đình ông hiện nuôi 6 ao cá tra và chuẩn bị thu hoạch. Trước Tết cổ truyền, ông thu hoạch được một số ao cá, lãi hơn 1.000 đồng/kg. Mức giá này người nuôi cá tra rất phấn khởi vì cả năm qua giá thấp, thức ăn tăng cao đã dẫn đến thua lỗ nặng. 

Ông Đời chia sẻ, trong Tết gia đình ông bán cá tra cho các doanh nghiệp thu mua xuất đi Mỹ với giá 29.000 - 30.000 đồng/kg. Giá này là ông đã có lãi.

Giá cá tra tăng mạnh, dân phấn khởi, doanh nghiệp phập phồng lo - Ảnh 1.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng cá tra phi lê để xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, EU... 

Trong đó, nhiều doanh nghiệp hàng đầu, giải quyết việc làm cho hàng nghìn công nhân lao động như: công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho), công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, công ty TNHH Đại Thành (tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành).

Tại Hội nghị ngành hàng cá tra năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết giá bán cá tra hiện dao động 29.500 - 30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021. 

Mục tiêu năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6-1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.

Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá nhận định đà tăng của giá cá tra nguyên liệu và xuất khẩu sẽ kéo dài đến tháng 4 và đỉnh điểm trong cuối năm 2022 – 2023.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, đây là cơ hội cho cá tra có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

Cùng quan điểm, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản (VASEP) cho biết xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng 20 - 25% so với năm 2021, giá cá tra xuất khẩu dự kiến tăng khoảng 5%.

Hiện, các thị trường như Mỹ đang ở mức giá cao 3,95 USD/kg, Trung Quốc cũng tăng cao hơn so với quý IV/2021.

Ngành nông nghiệp kỳ vọng năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất khoảng từ 1,6 - 1,7 triệu tấn cá tra thương phẩm; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD.

Xuất khẩu cá tra đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để có thể trở lại thời hoàng kim. Song, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chi phí logistics, cước vận tải biển leo thang và lạm phát ở Mỹ là những yếu tố cản đà tăng trưởng của xuất khẩu cá tra.

Ngoài ra, bà Lan cho rằng giá cá tra tăng tạo động lực cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần định hướng cho người nuôi, doanh nghiệp cân đối cung cầu để tăng độ an toàn giá trị và lợi nhuận, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018.

Giá cá tra tăng: Tín hiệu vừa mừng vừa lo

Trên báo chí, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nguyên Chủ tịch VASEP nhận định thị trường cá tra ngay từ đầu năm đã đón nhận những tín hiệu tích cực 

Tuy nhiên, theo ông Lực mức tăng đột biến này cũng có thể là tín hiệu vừa mừng vừa lo. 

"Mừng vì giá cá nguyên liệu tăng so với mức 24.000 đồng/kg trước tết, sắp tới giá xuất khẩu cũng sẽ tăng lên, nhưng lo là vì mức tăng đột ngột quá khiến nhiều doanh nghiệp không thể mua cá ngoài", Chủ tịch Sao Ta cho biết.

Từ tháng 10/2021 khi trở lại trạng thái bình thường mới, tổng thể ngành cá mới tái khởi động cho chuỗi giá trị cá tra. Với lý thuyết này, có thể đến giữa tháng 6/2022 sản lượng cá mới hồi phục tốt. 

"Với tình hình này, các doanh nghiệp cá tra cũng nên tính toán tới việc cân đối hoặc đẩy lượng nuôi cá tra để giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng hiệu quả hoạt động, bù đắp năm qua đầy thách thức", ông Lực nói. 

BSC cho rằng mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Mức tồn kho thấp kỳ vọng làm tăng giá bán khi nhu cầu tiêu thụ ngày khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.

Giá cá tra tiến dần đến kỷ lục cũ: Nên mừng hay nên lo? - Ảnh 3.

Tồn kho và sản lượng xuất khẩu cá tra (Nguồn: BSC)

"Chắc chắn năm 2022 là năm đầy thú vị cho ngành cá tra Việt Nam. Khủng hoảng từ dịch bệnh năm 2021 sẽ khiến phân hóa không nhỏ các doanh nghiệp chế biến, bản lĩnh nổi trội một số doanh nhân ngành cá sẽ thể hiện rõ hơn qua khó khăn này", ông Lực nhận định.


A.Vũ
Cùng chuyên mục