Giá hồ tiêu tụt không phanh, nông dân "cầu cứu" EVFTA?
Bán 1kg tiêu lỗ gần 10 ngàn đồng
"Cạnh tranh gay gắt", "hàng rào kỹ thuật" và "giá hồ tiêu giảm mạnh" là những yếu tố đẩy ngành hồ tiêu lao dốc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận xét về ngành tiêu 9 tháng 2019.
Trong nửa đầu năm 2019 xuất khẩu hồ tiêu đạt 177.000 tấn, trị giá hơn 452 triệu đô la Mỹ, dù tăng hơn 34% về lượng nhưng lại giảm 0,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Sáu tháng đầu năm, tại những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, lượng xuất khẩu hồ tiêu đều tăng mạnh nhưng giá trị mang về lại không bằng năm 2018, thậm chí giảm sâu.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tuần trước, giá tiêu ở Đồng Nai đột nhiên giảm tới 1.500 đồng/kg, xuống còn mức 38.000 đồng/kg. Tại các địa phương khác, giá tiêu cũng không có dấu hiệu khởi sắc, trong đó, tại Gia Lai đã xuống dưới 40.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), đã khá lâu rồi, giá tiêu mới giảm xuống mức 40.000 đồng/kg. Điều đáng nói là trước đây, dù giá tiêu có giảm, giá thành sản xuất vẫn ở mức thấp, còn hiện tại, giá thành lên đến 49.000 đồng/kg, nên với mức giá này, nông dân lỗ nặng.
Diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 51.000 héc ta năm 2010 lên 153.000 héc ta năm 2017, tức tăng gấp ba lần chỉ sau bảy năm, vượt xa quy hoạch, theo số liệu của Ban Quản lý dự án nông nghiệp, Bộ NN&PTNT.
Tăng nhanh về sản lượng nhưng không quản lý được chất lượng nên ngành tiêu Việt Nam càng bị tác động nặng nề hơn bởi vòng xoáy giảm giá trên thị trường toàn cầu. "Các hàng rào kỹ thuật trong các hiệp định như vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là rào cản lớn của ngành hồ tiêu Việt Nam", Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia đã dự đoán giá tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, dù chi phí sản xuất đã tăng 10% so với 2017. Ông Bính dự đoán, vụ 2019-2020 sẽ là niên vụ mà giá hạt tiêu chạm xuống tận đáy mới, đẩy người trồng tiêu vào tình cảnh vốn đã khó khăn nay càng lao đao hơn.
Quá trình xuất khẩu tiêu sẽ còn khó khăn hơn khi nguồn cung đang dư trên toàn cầu. Nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn vào năm 2019. Dự báo đến năm 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn.
Thêm vào đó, vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu tiếp tục là một rào cản. Đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, theo IPSARD. Theo Bộ NN&PTNT, việc phải làm trong thời gian tới là xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.
"Cầu cứu" EVFTA?
Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và vừa ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng sẽ mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có hạt tiêu vốn đang điêu đứng về giá và chất lượng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, 9 nước trong CPTPP cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Bởi vậy trong khối này, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn.
Đối với EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Do đó, theo Bộ Công Thương, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định để nắm vững cam kết giữa Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.
Hiện, Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện công tác quảng bá hồ tiêu ở thị trường nước ngoài, đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó, đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Mỹ, EU. Các chương trình xúc tiến thương mại này được triển khai trên cơ sở thường xuyên, định kỳ đã và sẽ tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương kỳ vọng, với các giải pháp về thị trường đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường. Theo đó, thị trường xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam dần dần được mở rộng và đa dạng hóa, đồng thời cũng sẽ định hướng cho sự phát triển của sản xuất trong nước, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.