Giá rau củ tăng mạnh: Nông dân mừng thầm, người tiêu dùng “méo mặt”
Theo ghi nhận của Dân Việt, tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, những ngày gần đây, giá các loại rau củ tăng "chóng mặt". Trong đó, giá nhiều loại rau "đắt ngang thịt" khiến nhiều bà nội trợ "ngán ngẩm".
Chị Nguyễn Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, giá súp lơ được bán ngoài chợ hiện tại có giá dao động trong khoảng 50.000 – 60.000 đồng/kg. Khi mua lẻ, người tiêu dùng có thể phải trả tới 55.000 đồng cho một cây súp lơ cân nặng 6 – 7 lạng.
"Với một gia đình có 4 người, mua 1 cây súp lơ cùng vài loại rau gia vị về có thể phải chi tới 70.000 – 80.000 đồng. Mức giá này đắt ngang thậm chí hơn tiền thịt cá cho một bữa. Hiện tại, giá thị ba chỉ loại ngon cũng chỉ ở mức khoảng 60.000 – 70.000/nửa kg. Trong khi thịt có thể mua nhiều về ăn vài ngày chứ rau củ thì hầu như bữa nào, tôi cũng phải mua mới về vì để lâu sẽ không còn tươi", chị Trà chia sẻ.
Không chỉ súp lơ, hiện tại, giá các loại rau vụ đông cũng tăng cao dù đang chính vụ: Su hào: 6.000 đồng/củ; cà rốt, khoai tây, cải ngồng: 25.000 đồng/kg; cà chua, dưa chuột, đậu bắp, chanh cốm: 30.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại rau cải chíp, rau muống cũng có giá tới 15.000 đồng/mớ nhỏ…
Giá rau, củ, quả tăng mạnh khiến người tiêu dùng, đặc biệt nhóm đối tượng có thu nhập thấp đang phải chật vật xoay xở để đủ chi tiêu trong tháng. Theo chia sẻ của giới chuyên gia và người dân trồng rau nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian qua, thời tiết bất ngờ nắng nóng khiến một lứa cây rau, củ vụ đông bị héo.
Anh Phạm Văn Hiếu, người nông dân có 25 mẫu trồng su hào và súp lơ tại huyện Gia Lộc, Hải Dương cho biết, hiện tại, giá súp lơ tại vườn có giá trong khoảng 9.000 – 10.000/bông.
Theo anh Hiếu nhận xét, so với trung bình năm, đây là mức giá khá cao và có thể sẽ được giữ ổn định tới thời điểm Tết Nguyên đán. Cụ thể, cùng thời điểm hàng năm, giá súp lơ chỉ trong khoảng 4.000 – 5.000/bông. Với mức giá này, người nông dân trồng rau nếu có thể duy trì sản lượng sẽ có doanh thu tốt.
"Với điều kiện thời tiết hiện tại, tôi cho rằng nguồn cung rau củ cho thị trường nội địa 2 dịp Tết sắp tới sẽ không bị thiếu và mức giá được giữ ổn định. Với diện tích và sản lượng hiện tại, chúng tôi có thể có thu nhập khoảng 200 triệu trong đợt này", anh Hiếu hồ hởi chia sẻ.
Ông Lê Thái Nghiệp, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết thêm, diện tích trồng rau vụ đông trên toàn tỉnh đã tăng hơn 5% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng rau vụ đông của tỉnh Hải Dương ước đạt 500.000 tấn.
"Điều kiện thời tiết có thể thay đổi, do đó, các chuyên gia cũng như ngành chức năng đã tăng cường khuyến cáo bà con phải theo dõi và chăm sóc cây rau. Tuy nhiên, cũng cần phải hiểu là chỉ có một số cây rau quá mẫn cảm với thời tiết mới có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đa phần các loại rau có sức chống chịu tốt thì không bị suy giảm sản lượng", ông Nghiệp cho hay.