Giá vàng hôm nay 22/3: Cơ hội không dành cho nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính

22/03/2020 08:09 GMT+7
Giá vàng sáng nay 22/3 được niêm yết phổ biến ở mức 45,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng thế giới và trong nước lệch pha tới hơn 4 triệu đồng/lượng. Theo giới phân tích, đầu tư vàng vẫn có lãi. Tuy nhiên, vàng vẫn là kênh đầu tư khó đoán định và không dành cho những người dùng đòn bẩy tài chính.

Tại phiên giao dịch cuối tuần hôm nay 22/3, giá trần mua vào của vàng miếng SJC ở mốc 45,7 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra của vàng miếng SJC đạt 46,8 triệu đồng/lượng. Mức điều chỉnh của giá vàng trong nước "ì ạch", cao nhất chỉ lên tới 100.000 đồng/lượng.

Cụ thể, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chốt giá vàng SJC ngày 21/3 ở mức: 45,75 triệu đồng/lượng – 46,57 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch liền trước.

Mở cửa thị trường ngày 22/3, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 45,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,3 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi so với cùng thời điểm ngày hôm qua 21/3, chênh lệch mua bán vàng SJC tại thương hiệu vàng này ổn định ở mức 500.000 đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 22/3: Vận động “ì ạch”, cơ hội không dành cho nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính. - Ảnh 1.

Giá vàng hôm nay 22/3: Vận động “ì ạch”, lệch pha hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và bán ra so với giá vàng SJC niêm yết đầu giờ sáng hôm qua 21/3, hiện đứng ở mức 45,8 – 46,25 triệu đồng/lượng.

PNJ niêm yết giá vàng ở mức: 45,70 triệu đồng/lượng – 46,80 triệu đồng. Giá vàng PNJ giao dịch ở mức: 44,30 triệu đồng/lượng – 45,30 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua/bán vàng SJC tại thương hiệu này lên tới 1,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay 22/3 tại Công ty Phú Quý (cập nhật vào thời điểm 5h sáng) niêm yết ở mức: 45,80 triệu đồng/lượng – 46,3 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng (mua vào), trong khi giá bán ra giảm nhẹ hơn 50.000 đồng/lượng (bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng COMEX giao tháng 4 chốt phiên giao dịch cuối tuần đứng ở mức 1.501,1 USD/ounce, tăng 1,48% so với phiên trước. Giá vàng giao ngay đạt 1.498,80 USD/ounce theo Kitco.

Giá vàng tăng khi vàng vẫn được đánh giá là kênh trú ẩn an toàn, bù đắp cho cơn sốt tiền mặt trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế từ Covid-19 trước đó. Tuy nhiên, vàng thỏi đang có xu hướng sụt giảm khi các nhà đầu tư bán kim loại quý này để đáp ứng các cuộc gọi ký quỹ các tài sản khác.

Thông tin được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ cho diễn biến của giá vàng thế giới trong tuần tới chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm hỗ trợ cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương của chín quốc gia. Fed sẽ cung cấp tới 60 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Australia, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore và Thụy Điển, và 30 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Đan Mạch, Na Uy và New Zealand.

Việc áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm đảm bảo các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng với đồng USD, điều đang trở nên khó khăn với nhiều ngân hàng trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.

Với mức giá hiện tại, giá vàng thế giới quy đổi tương ứng 42,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong nước đang "đắt hơn" khoảng 4 triệu đồng/lượng. Giá trong nước và thế giới chênh nhau quá lớn đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp kinh doanh, cũng như giới đầu tư lãi đậm.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, đây là tình trạng chưa từng xảy ra trong 8 năm qua, tính từ thời điểm SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

"Tôi cho rằng mức chênh lệch trên xuất phát từ thực tế là mức giảm giá của các doanh nghiệp trong nước không nhiều và không theo kịp mức giảm của giá vàng trên thị trường thế giới. Nguyên do sâu xa hơn là người bán vàng hay các doanh nghiệp không muốn giảm giá quá sâu nhằm phòng ngừa các rủi ro biến động về giá trên thị trường cũng như các rủi ro tỷ giá của đồng USD", ông Khánh nhấn mạnh.

Lý giải thêm về hiện tượng bất thường này, theo một chuyên gia tài chính, giá vàng tại Việt Nam lên hay xuống còn do những tay buôn vàng siêu lớn, những quỹ đầu tư… tạo ra. Họ có thể tạo ra sóng ngắn, sóng dài hoặc đẩy giá lên, xuống.

Vị chuyên gia này bình luận: "Ở đây có thể nhận thấy là đang có dấu hiệu làm giá của những người bán vàng với mục đích vừa phòng ngừa rủi ro biến động giá của thị trường, nhưng cũng vừa nhằm tối ưu lợi nhuận khi kéo chênh lệch giá mua bán lên tới cả triệu đồng mỗi lượng".

Trước diễn biến này, nhiều chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư nên cẩn trọng khi chọn vàng làm kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh hiện nay. Nhà đầu tư hay người dân muốn "lướt sóng" vàng ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng.

Riêng về dài hạn, đầu tư vàng vẫn có lãi. Tuy nhiên, dù là lướt sóng hay đầu tư dài hạn thì vàng vẫn là kênh đầu tư khó đoán định và không dành cho những người dùng đòn bẩy tài chính.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục