Giá xuống mức thấp nhất sau 12 năm, gạo Việt gian nan đường xuất khẩu

10/11/2019 08:14 GMT+7
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm ở mức 435,6 USD một tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức giá thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.

Mới đây, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019 khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 5,56 triệu tấn, tương đương giá trị 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu bình quân 9 tháng chỉ ở mức 435,6 USD một tấn, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là do lượng gạo tồn kho trên thế giới lớn. Ngoài ra, gạo xuất khẩu từ các thị trường như Thái Lan, Ấn Độ được bán ở mức giá rất cạnh tranh.

Hiện nay, Philippines dẫn đầu về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 297 lần), Bờ Biển Ngà (tăng 81,8%), Australia, Hong Kong... tăng quanh mức 30-70%.

Giá xuống mức thấp nhất sau 12 năm, gạo Việt gian nan đường xuất khẩu - Ảnh 1.

Ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam đang "gặp khó"

Được biết, đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Philippines đã khởi xướng điều tra sơ bộ việc tự vệ đối với gạo nhập khẩu. Tuy nhiên đến tháng 10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương Philippines đã thông báo sẽ không áp thuế bổ sung đối với gạo nhập khẩu.

Nguyên nhân được đánh giá là do, đến nay, Philippines vẫn chưa thể tự cung cấp lương thực. Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ dần tăng lên.

Mới đây, Chính phủ Philippines đã đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ gạo đến năm 2030 với mức tăng dần đều, cụ thể đạt 14,5 triệu tấn vào năm 2022 (tăng 4,3% so với năm 2019), 15,2 triệu tấn vào năm 2026 (tăng 9,4%) và 16 triệu tấn vào năm 2030 (tăng 15,1%).

Được biết, gạo Việt Nam đã xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng vẫn khó đi vào phân khúc chất lượng cao. Để thay đổi thực trạng này, theo ông Phạm Thái Bình , Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, ngành gạo của Việt Nam cần phát triển cánh đồng lớn, liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ông Bình, với mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng cho 1 triệu ha trồng lúa theo mô hình liên kết chuỗi giá trị cánh đồng lớn đã vượt quá khả năng của doanh nghiệp và nông dân. Ông Bình cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thông tin thêm, cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định năm 2019 xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn về thị trường. Các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh… đều sẽ giảm nhập khẩu, trong đó thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn giá trị.

"Hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc. Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Đồng thời, có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Bên cạnh đó, vấn đề còn là một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng… Những điều này ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc" - ông Toản lý giải.

Trong thời gian cuối năm, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, ông Toản đánh giá, gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, cần cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Trước mắt, phải gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc, cùng với đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Philippines, châu Phi...

Thanh Phong
Cùng chuyên mục