Giải bài toán thiếu kho lạnh
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đang đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống kho trữ lạnh để cho thuê hoặc để tăng khả năng thu mua nguyên liệu cho nông dân, chủ động nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, để nâng sức chứa của hệ thống kho lạnh, rất cần những chính sách khuyến khích đầu tư thiết thực.
Kho thiếu, giá thuê tăng
Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, giám đốc một DN chuyên nhập khẩu thịt đông lạnh ở TP HCM, hiện hệ thống kho lạnh tại TP HCM và lân cận đang trong tình trạng "hết chỗ chứa". "Hàng xuất khẩu không xuất được, hàng nhập khẩu về bán không ra nên phải tồn kho, nhiều DN có kế hoạch nhập cũng phải ngưng vì không có chỗ chứa. Giá thuê kho hiện ở mức 0,85 USD/tấn/ngày, nếu gửi số lượng ít giá có thể lên đến 1 USD/tấn/ngày, tăng khoảng 15% so với trước đó. Đầu tư vào kho lạnh rất tốn kém nên các DN thương mại chủ yếu đi thuê và phải chịu mức giá bên cho thuê đưa ra" - ông Khuê nêu thực tế.
Bên trong một kho lạnh cho thuê chứa thực phẩm ở TP HCM
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thừa nhận trong ngành thủy sản, công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành nên khi dịch Covid-19 xảy ra, tình trạng thiếu kho thêm nghiêm trọng. Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để DN thu mua hết nguyên liệu tôm, cá nông dân sản xuất ra mà còn là mắt xích chính để giúp DN tạo ra được nguồn hàng lớn, đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng trở lại.
Không chỉ phục vụ xuất khẩu, thị trường trong nước cũng cần đến kho lạnh trong việc phân phối thực phẩm cần được bảo quản lạnh và nhu cầu này càng tăng khi bán lẻ hiện đại phát triển. "Các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay cũng có kho lạnh tại chỗ nhưng công suất nhỏ, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn lại phải thuê ngoài. Nếu sức chứa của kho lớn hơn, DN có thể mua thêm nguyên liệu từ nông dân, giảm bớt tình trạng cá tồn trong ao như hiện nay" - ông Trương Đình Hòe nhìn nhận.
Tăng tốc đầu tư kho lạnh
Đầu tháng 9 vừa qua, Công ty CP Giải pháp thương mại ABA (ABA Cooltrans) đã khai trương trung tâm phân phối lạnh Miền Đông 1 ở KCX Linh Trung (TP HCM) tại khu đất 1 ha, trong đó phần kho là 5.000 m2 với sức chứa 8.000 tấn, tổng vốn đầu tư 250 tỉ đồng. Đại diện DN cho biết đây là hệ thống kho chuyên phục vụ nhu cầu lưu trữ, phân phối, giao nhận… thực phẩm cho kênh bán lẻ hiện đại cho khách hàng tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Trước nhu cầu thuê kho lạnh cao của DN, bà Nguyễn Tú Uyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics (TP HCM), cho biết đang xúc tiến đầu tư một kho lạnh với sức chứa khoảng 12.000 tấn. "Chúng tôi đang chốt vị trí để đầu năm sau tiến hành xây dựng và sau 6-12 tháng có thể hoạt động. Nhìn chung, xây kho cần mặt bằng lớn, khoảng 10.000 m2 ở vị trí thuận lợi về giao thông, gần cảng nên không dễ tìm" - bà Uyên tiết lộ.
Còn bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho hay đang có kế hoạch xây dựng kho lạnh tại Đắk Lắk để thu mua trái cây mà chủ yếu là sầu riêng tại đây và các tỉnh lân cận. Theo bà Vy, do thiếu kho lạnh tại chỗ, từ đầu năm đến nay, DN đã phải chi hơn 10 tỉ đồng cho các dịch vụ logistics để đưa nguyên liệu thu mua về nhà máy và các kho bảo quản. "Xây kho lạnh tại cùng nguyên liệu là định hướng từ trước của DN. Tuy nhiên, DN phải chuẩn bị về nhân sự cũng như ổn định được đầu ra và khi thời điểm chín muồi thì DN tiến hành" - bà Vy chia sẻ.
Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam cũng đang thực hiện dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường EU, Trung Đông nhằm tận dụng các hiệp định thương mại tự do Việt Nam vừa ký kết. Trong đó, có kế hoạch xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại khu vực ĐBSCL. Ngày 12-10 vừa qua, tại Trà Vinh, quỹ này đã phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh khởi công mô hình trình diễn kho lạnh thông minh tại xã Bình Phú, huyện Càng Long có diện tích 10.000 m2 với quy mô đầu tư 24,461 tỉ đồng. Trong đó, vốn tài trợ là 20,489 tỉ đồng, chiếm 83,76% tổng vốn dự án; vốn đối ứng bằng tiền mặt từ địa phương là 3,972 tỉ đồng, chiếm 16,24% tổng vốn dự án. Vị trí và quy mô 5 kho lạnh chính thức tại ĐBSCL sẽ được nghiên cứu, khảo sát phù hợp điều kiện thực tế của địa phương với nguồn nguyên liệu, nhân công dần được nội địa hóa.
Theo bà Dương Thị Bích Diệp, Chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam, để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu nông sản sang những thị trường hàng đầu như EU, Trung Đông..., Việt Nam phải khắc phục những điểm yếu về sản xuất, nguyên liệu, bảo quản, chế biến và logistics. "Dự án xây dựng chuỗi 5 kho lạnh thông minh được triển khai song song với chương trình hỗ trợ nông dân nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tài chính… sẽ giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, sản xuất nông sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nông dân sẽ đóng vai trò trung tâm để hoàn thiện chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Dự án này không chỉ hạn chế tình trạng nông sản dư thừa, đổ bỏ, điệp khúc "được mùa mất giá", giúp bà con nâng cao thu nhập, khẳng định giá trị và thương hiệu nông sản Việt mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu" - bà Dương Thị Bích Diệp nhấn mạnh.
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Theo ông Trương Đình Hòe, các DN vẫn sẽ chủ động đầu tư vào hệ thống kho lạnh tùy theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, để sớm tăng công suất kho chứa lạnh, nhà nước nên có các chính sách ưu đãi để khuyến khích DN tham gia. Mới đây, VASEP đã kiến nghị nhà nước sớm có những hỗ trợ đối với DN đầu tư lĩnh vực này, như: hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh có sức chứa tối thiểu 5.000 pallet (khoảng 5.000 tấn). Ngoài ra, cần hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập DN cho 2 năm đầu kể từ khi kho lạnh đi vào vận hành.