Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị hạn chế chuyển đổi condotel thành chung cư

12/12/2019 12:00 GMT+7
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng kiến nghị thành phố phải có giải pháp quản lý condotel, hạn chế chuyển condotel thành chung cư để không phá vỡ tổng thể quy hoạch chung đô thị. Các đại biểu tại kỳ họp HĐND cũng đề xuất xử lý các dự án chậm tiến độ theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX ngày 11/12, ông Lê Tùng Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đã nêu ý kiến về tình hình phát triển condotel trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đến nay Đà Nẵng có khoảng 9.890 căn condotel từ 12 dự án được đưa ra thị trường. Trong 2 năm 2016-2017, Sở Xây dựng đã cấp phép 6 dự án condotel với 7.590 căn hộ (1.700 căn hộ đi vào hoạt động). Hiện nay, công tác quản lý đầu tư xây dựng, vận hành, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu như sổ đỏ, sổ hồng đang gặp nhiều khó khăn do chưa có khung pháp lý rõ ràng. 

Trong khi chờ các bộ ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kinh doanh các loại hình căn hộ condotel, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố sớm có giải pháp quản lý hiệu quả, hạn chế tình trạng chuyển đổi loại hình căn hộ condontel sang loại hình chung cư..., tránh phá vỡ tổng thể quy hoạch chung đô thị, phát sinh hệ lụy lâu dài cho thành phố.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị hạn chế chuyển đổi condotel thành chung cư - Ảnh 1.

Đà Nẵng hiện có khoảng 9.890 căn condotel từ 12 dự án được đưa ra thị trường. Ảnh: Lâm Tùng

Về vấn đề rà soát, gia hạn các dự án chậm triển khai và tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm động lực giai đoạn 2016 - 2020, đại biểu Võ Văn Thương (quận Hải Châu) đề nghị thành phố rà soát và mời các chủ khu đất (chưa lập dự án đầu tư) làm việc để thực hiện lập dự án đầu tư theo quy định. Đồng thời, ông Thương đề xuất xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng kể từ khi nhận đất bàn giao trên thực địa để xử lý theo đúng quy định của Luật đất đai. 

Đối với 73 dự án trọng điểm giai đoạn 2016-2020, đại biểu Võ Văn Thương cho rằng nhiều dự án tiến độ, trong năm 2020 cần tập trung thực hiện, phấn đấu đảm bảo tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, động lực giai đoạn 2016-2020, kể cả các dự án từ vốn ngân sách, vốn các bộ ngành, vốn nhà đầu tư. 

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Kim Dũng (quận Hòa Vang) cho hay hiện toàn thành phố có khoảng 600 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất do ảnh hưởng của việc triển khai các dự án hạ tầng đô thị, tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. “Tiếp xúc cử tri lần nào cũng đều có những kiến nghị này nhưng thành phố chưa có giải pháp nào khác ngoài việc chi trả hỗ trợ”, đại biểu Dũng nói.

Các đại biểu kiến nghị thành phố cần có phương án sáp nhập những mảnh đất nông nghiệp không sản xuất được có diện tích nhỏ vào dự án liền kề để thu hồi dứt điểm. Đối với diện tích đất còn sản xuất được, thành phố nên có chính sách hỗ trợ nông dân cải tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ổn định sản xuất.

Về vấn đề chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư, cuối tháng 11 vừa qua, Sở Xây dựng Đà Nẵng xác nhận đã có Quyết định 592 ngày 1/2/2019 cho phép chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng chuyển đổi 1.570 căn condotel (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở), chiếm tỷ lệ 45% tổng số căn quy hoạch.

Thông tin này được đưa ra sau khi chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng là CTCP Đầu tư và phát triển xây dựng Thành Đô công bố chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm đối với nhà đầu tư dự án. Chủ đầu tư đưa ra các phương án giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư gồm chuyển đổi căn hộ condotel thành chung cư; thanh lý hợp đồng tự kinh doanh; thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền; tự đề xuất giải pháp hợp lý hơn.

Quyết định cho phép chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư của TP Đà Nẵng ngay sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi. Không ít chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi này có thể gây ra các hệ quả về mặt hạ tầng, phá vỡ quy hoạch đô thị, tạo tiền lệ xấu cho các dự án condotel khác.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục