Giới trẻ Việt "mê" mạng xã hội Facebook, đáng chú ý vai trò của Zalo
Theo báo cáo, nhóm tuổi từ 18 - 29 tuổi, 31% số người dành 2-3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội, 20% sử dụng mạng xã hội trong 3 - 4 giờ mỗi ngày, xếp ngay sau đó - 19% cho biết họ đang tiêu thụ các nội dung trên mạng xã hội trong hơn 5 tiếng mỗi ngày.
Ở độ tuổi từ 30 - 39 tuổi, có đến 33% cho biết họ dành 1 - 2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội, 27% sử dụng mạng xã hội trong 2 - 3 giờ. Không quá nhiều người dành đến hơn 3 tiếng để lướt mạng xã hội mỗi ngày.
Đáng chú ý, trong nhóm giới trẻ (18 - 29 tuổi), họ chọn Facebook là ứng dụng mà họ cho là không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, nhóm 30 - 39 tuổi lại cảm thấy Zalo là ứng dụng quan trọng nhất đối với họ.
Nếu người trẻ có gắn bó sâu sắc với nền tảng video ngắn TikTok, những người ngoài độ tuổi 30 không mấy đánh giá cao ứng dụng này trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Đối với ứng dụng nhắn tin, nếu nhóm tuổi 30 - 39 tuổi có thói quen thường xuyên sử dụng Zalo thì giới trẻ lại lựa chọn Messenger như một công cụ giao tiếp hàng đầu.
Điều này cũng cho thấy thông qua việc 92% những người tham gia khảo sát cho biết Zalo là công cụ trao đổi phổ biến nhất trong công việc. 33% sử dụng Messenger để phục vụ giao tiếp trong công việc. Con số này giảm dần đều đối với các ứng dụng trao đổi khác, bao gồm Microsoft Teams (24%), Skype (16%), WhatsApp (7%), Slack (7%).
Tính đến tháng 10 năm 2024, Việt Nam có khoảng 86,1 triệu người dùng Facebook, chiếm 84% dân số cả nước. Độ tuổi người dùng tập trung chủ yếu từ 25 đến 34, với khoảng 25,3 triệu người trong nhóm này.
Về Zalo, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2024, số người dùng hàng tháng đạt 76,5 triệu, vượt qua các nền tảng khác như Facebook (72 triệu), YouTube (63 triệu) và TikTok (67 triệu).