Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh dự kiến lập hàng chục trạm thu phí ô tô vào nội đô

19/07/2019 10:23 GMT+7
Việc thu phí tự động phương tiện chỉ diễn ra tại những tuyến đường, khu vực thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Với những tuyến đường, khu vực ít xảy ra ùn tắc hoặc phương tiện đi vào nội đô ngoài giờ cao điểm sẽ không bị thu phí.

Trong khi Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh (HCM) đề xuất UBND thành phố xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông vẫn chưa đượng thông qua, thì Sở GTVT Hà Nội cũng đang lên kế hoạch sẽ lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô, tác động rất lớn tới đời sống – xã hội cũng như hoạt động của người dân cũng đang được dư luận quan tâm.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đang cùng với đơn vị tư vấn nghiên cứu kinh nghiệm từ các đô thị lớn của các nước trên thế giới xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”.

Hà Nội lên kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô.

Điểm nhấn của đề này đang được nhiều người dân quan tâm chính là việc Hà Nội sẽ thu phí phương tiện vào nội đô, đối tượng chịu thu phí sẽ là ô tô do đối tượng xe máy sẽ tính tới hạn chế dần và tiến tới cấm hẳn trong tương lai gần.

Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện ở nhiều quận trung tâm, khoanh vùng khu vực thu phí theo khu vực các đường vành đai, song mở rộng thu phí đến đường vành đai nào sẽ phải tính toán. Hà Nội hiện có đường vành đai 1, 2, vành đai 2,5, vành đai 3 đã triển khai và có nhiều tuyến đường kết nối.

Đến nay, Sở GTVT và đơn vị tư vấn nghiên cứu vẫn chưa chốt phương án chính thức khu vực thu phí, phân vùng thu phí như thế nào cũng như hình thức thu ra sao. Dự kiến, cuối năm 2019, Sở GTVT sẽ chốt phương án để trình HĐND TP.Hà Nội vào kỳ hợp HĐND cuối năm nay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, để có thể thu phí được phương tiện đi vào nội đô, Hà Nội cũng sẽ lập trạm thu phí tự động theo giờ cao điểm và phân vùng hạn chế ô tô.Đồng thời, sẽ thu phí tự động để hạn chế phương tiện vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm.

Trong 2 năm qua, Sở GTVT đã triển khai các chủ trương về nội dung hạn chế phương tiện vào nội đô. Từ năm 2019, Hà Nội sẽ bắt tay thưc hiện các vấn đề cụ thể. Trong đó, có đưa ra các giải pháp hạn chế xe cá nhân ở khu vực nội đô.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đối với xe máy, theo đề án đã có, lộ trình hạn chế tiến tới dừng hoạt động vào năm 2030. Tuy nhiên, để thực hiện được Sở GTVT Hà Nội và các sở ngành liên quan phải thực hiện các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng.

Hà Nội phấn đấu riêng phương tiện vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 phải đáp ứng được 25 đến 30% nhu cầu đi lại của người dân (hiện nay đã đạt khoảng 17%). Để khi bỏ xe máy, xe cá nhân, người dân có thể dễ dàng tiếp cận xe buýt hoặc đường sắt đô thị…

Với ô tô và các loại xe cá nhân khác, sẽ không cấm nhưng thành phố sẽ đưa ra các giải pháp hạn chế bằng luật pháp và các biện pháp kinh tế. Cụ thể, sẽ thực hiện song song các nội dung, bao gồm: Lắp hệ thống thu phí tự động (tương tự như thu phí không dừng tại các trạm BOT) để thu phí ô tô đi vào nội đô trong giờ cao điểm; Cùng với đó là phân vùng, phân từng tuyến phố để thực hiện. Ranh giới được xác định để thực hiện thu phí vào nội đô là từ đường vành đai 3 trở vào.

Việc thu phí tự động phương tiện chỉ diễn ra tại những tuyến đường, khu vực thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Với những tuyến đường, khu vực ít xảy ra ùn tắc hoặc phương tiện đi vào nội đô ngoài giờ cao điểm sẽ không bị thu phí. Trong năm 2019, sở và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành phương án triển khai các nội dung trên.

TP.HCM lập 34 trạm thu phí phương tiện vào nội đô

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản đề xuất UBND TP xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP để giảm kẹt xe… Tuy mới chỉ là đề xuất của cấp sở và phải đợi UBND TP.HCM duyệt chủ trương thì mới triển khai nhưng do vấn đề mới, tác động toàn diện đến đời sống người dân nên được dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, sẽ có 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm được xây dựng để hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng). Cách thức này được cho là sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, trước khi đưa ra đề xuất này, trong năm 2019, Sở GTVT đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chuyên gia giao thông hàng đầu thành phố. Mới đây, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP HCM cũng đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai vào ngày 14/6 để lấy ý kiến về đề xuất dự án nói trên. Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở GTVT, các thành viên gồm những chuyên gia trong ngành giao thông của thành phố. Trong cuộc họp này có 13/19 thành viên tham dự cơ bản thống nhất nên Sở mới đề xuất.

Thế Anh
Cùng chuyên mục