Hàng không Châu Âu chịu tổn thất lớn sau lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump
Lệnh cấm của Trump áp dụng với các quốc gia thuộc EU, được đưa ra dựa trên tình hình dịch bệnh đang bùng phát dữ dội ở Châu Âu và số ca nhiễm bệnh ở các quốc gia này. Cổ phiếu hàng không, vốn đã đi xuống không phanh từ khi đại dịch bùng nổ, giờ đứng trước nguy cơ khủng khoảng nặng nề hơn sau khi ông Trump phát lệnh cấm này.
Theo đó, bất cứ chuyến bay nào giữa khu vực EU và Mỹ đều sẽ bị cấm. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Đức, Pháp, và Hà Lan. Lệnh cấm này được cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến 3.500 chuyến bay mỗi tuần và hơn 800.000 hành khách. Chỉ trong tháng 4, có tới 1.741 chuyến bay được lên lịch từ Đức đến Mỹ, 1.570 chuyến từ Pháp đến Mỹ và 1.212 chuyến từ Hà Lan đến Mỹ, theo số liệu của OAG. Nếu Anh cũng nằm trong danh sách cấm này, hậu quả sẽ lớn hơn khi 4.121 chuyến bay hiện đang được lên lịch đến Mỹ trong tháng sau.
Các chuyến bay xuyên lục địa chiếm một phần lớn lợi nhuận cho các hãng hàng không, điều này đồng nghĩa với việc các hãng hàng không lớn của Mỹ và Châu Âu sẽ mất số tiền khổng lồ sau lệnh cấm nhập cảnh mới đây, theo nhận định của chuyên gia. Các hãng hàng không được dự đoán chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Lufthansa của Đức và Air France-KLM, hãng hàng không Pháp-Hà Lan, Delta và United Airlines của Mỹ. IAG, sở hữu British Airways, chịu ảnh hưởng ít nhất trong số các tập đoàn hàng không do lệnh cấm không bao gồm Anh. Nhưng Iberia, hãng hàng không tại Tây Ban Nha thuộc tập đoàn này, sẽ chịu chung số phận với các hãng khác trong khối EU.
Các hãng hàng không liên doanh lớn giữa Châu Âu và Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Theo chuyên gia phân tích, liên doanh Lufthansa-United Airlines chiếm 36% thị phần các chuyến bay xuyên đại dương, Air France-KLM-Delta chiếm 29 % thị phần và IAG-American Airlines chiếm 11%. Norwegian Air Shuttle, hãng hàng không giá rẻ của Na Uy cũng chịu tác động không nhỏ bởi nửa số chuyến bay được khai thác của hãng này đều đến Mỹ. Theo chuyên gia, các hãng hàng không này sẽ cần huy động thêm vốn nếu muốn chống chọi với tình hình hiện tại.
Ngành công nghiệp hàng không vốn đã quằn quại giữa cơn bùng nổ dịch bệnh cùng hàng chục ngàn chuyến bay bị hủy. IATA, công ty thương mại hàng không cảnh báo rằng khủng hoảng dịch bệnh có thể khiến ngành hàng không mất hơn 113 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Một khi lệnh cấm của ông Trump được áp dụng, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. Một số hãng hàng không tuyên bố có thể khai thác các chuyến bay đến Anh và Ireland, từ đó bay đến Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ chưa có tuyên bố chính thức nào về việc có chấp nhận hay không cách thức này.
Trước lệnh cấm này, Ursula von der Leyen, chủ tịch Cao Ủy Châu Âu và Charles Michel, chủ tịch hội đồng Châu Âu hôm qua đã có phát biểu thể hiện sự không đồng thuận với phía Mỹ. Theo họ, virus corona là đại dịch toàn cầu và không chỉ dừng lại ở bất cứ lục địa nào, vì vậy cần sự hợp tác thay vì hành động đơn phương, trước việc Mỹ hoàn toàn đưa ra quyết định này mà không có sự bàn bạc nào trước với phía Châu Âu.
Lệnh cấm này tuy nhiên không áp dụng với công dân Mỹ và gia định của họ, những người vẫn đang sống ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Ba Lan. Heiko Maas, Bộ trưởng Bộ ngoại vụ Đức, tuyên bố ngày hôm qua động thái của Mỹ không có tính chất hợp tác với Châu Âu, một số chuyên gia quan ngại đây có thể là động thái chính trị chứ không đơn thuần ngăn chặn đại dịch, nhất là đứng về phía Anh trong cuộc thương thảo giữa Anh và EU hậu Brexit. Các nhà ngoại giao chỉ ra sai lầm và sự phức tạp từ lệnh cấm này, như việc các quốc gia không thuộc khối EU nhưng vẫn chịu ảnh hưởng dịch bệnh không nằm trong danh sách cấm, như Anh, Ireland và Romania. Câu hỏi khác cũng được đặt ra là Washington sẽ ngăn chặn mọi người di chuyển từ các quốc gia EU đến các quốc gia không thuộc khối này và rồi đến Mỹ như thế nào.