Hàng loạt quốc gia điều tra, áp thuế thép Trung Quốc

14/09/2020 11:19 GMT+7
Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, thép xuất khẩu của Trung Quốc đã phải chịu tới 15 cuộc điều tra chống bán phá giá mới trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 thúc đẩy xu hướng bảo hộ trên toàn cầu.
Hàng loạt quốc gia điều tra, áp thuế thép Trung Quốc - Ảnh 1.

Hàng loạt quốc gia điều tra, áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc

Mỹ, Anh, Úc và Thái Lan là 4 quốc gia khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng loạt sản phẩm Trung Quốc bao gồm thép tấm, xi lanh, dây cáp, dây mạ kẽm…

Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới từ lâu đã bị cáo buộc bán phá giá thép giá rẻ khắp thị trường quốc tế do tình trạng thừa cung trong nước. Riêng quốc gia Đông Á này sản xuất tới 996 triệu tấn thép thô vào năm ngoái, chiếm hơn một nửa trong tổng sản lượng 1,8 tỷ tấn trên toàn thế giới, theo thống kê của Hiệp hội Thép Toàn cầu. Năm ngoái, Trung Quốc cũng phải đối diện với 13 cuộc điều tra chống bán phá giá thép xuất khẩu.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế, nhiều quốc gia Châu Á đang làm đủ mọi cách để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước, trong đó có ngành sản xuất thép. Gần đây nhất, trong tháng 8 qua, Thái Lan đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 35,67% với thép cuộn và tấm mạ kẽm nhúng nóng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng Korrakod Padungjitt, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Gang thép Thái Lan cho rằng mức thuế này chỉ như “muối bỏ bể” so với những tổn thất mà ngành thép xứ Chùa Vàng phải gánh chịu nhiều năm nay. Theo ông Korrakod, thép giá rẻ từ Trung Quốc đã tràn vào Thái Lan vào đầu những năm 2000 và ngày càng gây áp lực lên các nhà sản xuất thép nội địa. 

Lĩnh vực công nghiệp của Thái Lan vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 khi đầu tư kinh doanh và tiêu dùng giảm mạnh. Vào tháng 7, sản lượng ô tô của Thái Lan đã tụt dốc 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem như đòn giáng nặng nề vào ngành thép. Trong khi đó, nhập khẩu thép của Trung Quốc đã tăng lên mức báo động. Riêng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm mạ kẽm nhúng nóng đã tăng 50% trong giai đoạn 2017-2019, theo ông Wirote Rotewatanachai, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan. “Cả nước tiêu thụ 18,6 triệu tấn thép vào năm 2019, nhưng nhập khẩu lên tới 12,2 triệu tấn”.

Thái Lan không phải quốc gia duy nhất áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc. Hồi tháng 3, Liên minh Châu Âu EU đã áp thuế chống bán phá giá từ  50,3% đến 66,4% đối với bánh xe thép nhập khẩu từ Trung Quốc, mức thuế có hiệu lực trong 5 năm. Đến tháng 8/2020, EU cũng gia hạn mức thuế chống bán phá giá từ 17,2% đến 27,9% với thép chống ăn mòn nhập khẩu từ quốc gia Đông Á này. 

Theo bà Mireya Solis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings có trụ sở ở Washington, việc bán phá giá thép của Trung Quốc là một vấn đề tồn tại từ lâu; nhưng đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật nó và thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ. “Đại dịch đã thúc đẩy sự gia tăng của an ninh kinh tế khi các chính phủ tăng cường nỗ lực hạn chế dòng chảy thương mại và đầu tư”. 

“Chủ nghĩa bảo hộ xuất khẩu đã nổi lên khi các quốc gia hạn chế xuất khẩu vật tư y tế thiết yếu và thiết bị bảo hộ cá nhân” - bà Mireya Solis nói thêm. 

Joshua Meltzer, một thành viên khác từ Viện Brookings và Neena Shenai từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cũng đưa ra cảnh báo tương tự rằng đại dịch đang thúc đẩy sự suy giảm của hệ thống thương mại toàn cầu. Ông Joshua Meltzer cũng cảnh báo nguy cơ các nhà cung cấp Trung Quốc cố gắng lách thuế chống bán phá giá bằng cách chuyển nguyên liệu sang các quốc gia lân cận như Việt Nam rồi tái xuất sang thị trường quen thuộc là Thái Lan.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục