Hệ thống ngân hàng của Afghanistan trên bờ vực sụp đổ: "Không một ai có tiền"
Gần 2 tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul, nhiều ngân hàng ở Afghanistan vẫn đóng cửa. Điều này khiến nhiều người dân trong nước vẫn chưa thể rút tiền từ tài khoản của mình.
"Không một ai có tiền", một nhân viên của ngân hàng trung ương Afghanistan trả lời tờ CNN. Người này cho biết nhiều gia đình hiện đang rơi vào cảnh túng quẫn, không có tiền chi tiêu do ngân hàng đóng cửa trong khi một số người thậm chí không được trả lương. Tất cả những điều này cùng với bất ổn xã hội đang làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng kinh tế - nhân đạo nghiêm trọng ở quốc gia vốn đã nghèo đói như Afghanistan.
Thách thức chính là nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào khả năng tiếp cận nguồn ngoại tệ và viện trợ quốc tế. Theo World Bank, các khoản viện trợ quốc tế chiếm tới 75% chi tiêu công của Afghanistan. Nhưng hầu hết các khoản này đã bị chặn kể từ khi Taliban tiến vào Kabul. Washington đã tuyên bố cắt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung Ương Afghanistan với 7 tỷ USD vàng và tiền mặt dự trữ của Ngân hàng này đang nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Fed. Trước áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đóng băng 460 triệu USD đáng lẽ được phân bổ đến Afghanistan trong tuần này. World Bank sau đó cũng đóng băng hỗ trợ tài chính cho Afghanistan.
Dù rằng Taliban đã ra lệnh cho các ngân hàng và dịch vụ liên quan mở cửa trở lại từ tuần này, nhưng cho đến nay hầu hết các ngân hàng vẫn đóng cửa vì tình trạng cạn tiền mặt, theo nguồn tin từ Ngân hàng Trung ương quốc gia.
Chính các ngân hàng Afghanistan cũng đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến sự sụp đổ hệ thống tài chính trong nước. "Afghanistan và lĩnh vực ngân hàng của nước này đang đứng trước nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng mang tính tồn tại đe dọa sự sụp đổ của toàn hệ thống” - trích một bản ghi nhớ hôm 23/8 được gửi bởi Phòng Thương mại Afghanistan - Mỹ. Bản ghi nhớ được viết bởi một nhóm phân tích tài chính ngân hàng bao gồm các ngân hàng thương mại lớn của Afghanistan, khách hàng và nhà đầu tư.
Ngân hàng Trung ương Afghanistan, nền tảng của hệ thống tài chính quốc gia, cũng đang ở trong tình huống đầy thách thức. Nhiều nhân viên không được phép trở lại văn phòng kể từ khi Taliban nắm quyền. Bản ghi nhớ của Phòng Thương mại Afghanistan - Mỹ tiết lộ các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương đã từ chối hồi đáp bất kỳ thông tin liên lạc nào từ các ngân hàng ít nhất cho đến ngày 23/8. Các yêu cầu bơm thanh khoản cho các Ngân hàng cũng không được thực hiện.
Taliban đã bổ nhiệm Haiji Mohammad Idris làm quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan hôm 23/8, nhưng cho đến nay, rất ít thông tin về ông này được công bố. Không rõ sơ yếu lý lịch và kinh nghiệm công tác trong ngành tài chính - ngân hàng của ông này ra sao. Đó là lý do công chúng có rất ít niềm tin vào hệ thống ngân hàng Afghanistan cho đến thời điểm hiện tại.
Thiếu hụt tiền mặt chắc chắn là cơn ác mộng đối với một quốc gia thâm hụt thương mại quá lớn như Afghanistan. Với lý do "tiền mặt cạn kiệt nhanh chóng", nhóm ngân hàng Afghanistan hiện đangkêu gọi chính phủ Mỹ mở lại quyền tiếp cận số tài sản 7 tỷ USD vàng và tiền mặt dự trữ đang nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Fed. Nếu không được tiếp cận sớm, chúng tôi sợ rằng toàn bộ nền kinh tế Afghanistan và hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ… Niềm tin công chúng cũng suy sụp theo và bạo lực có thể bùng phát khi dân chúng không còn tiền để mua thực phẩm cũng như chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ CNN, ông Ajmal Ahmady, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan cho hay đất nước này trước đó đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ hạn hán, Covid-19 cho đến cuộc đảo chính vừa qua. “Trước mắt, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề kinh tế. Đối với người dân Afghanistan, đây sẽ là một thách thức dai dẳng”. Ông Ahmady dự đoán Taliban sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và hoạch định chính sách kinh tế. “Họ không làm rõ chương trình nghị sự kinh tế. Chúng tôi không biết ai sẽ là người điều phối chính sách kinh tế. Tôi nghĩ họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức mà họ buộc phải tìm cách giải quyết.
Vị cựu Thống đốc kêu gọi cộng đồng quốc tế và Mỹ không cắt các khoản viện trợ nhân đạo với Afghanistan. “Hỗ trợ nhân đạo không chỉ cần duy trì, mà cần tăng lên trong những tháng tới. Đừng đợi cho đến khi một cuộc khủng hoảng khác ập đến”.
Theo World Bank, khoảng 47% số hộ gia đình ở Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, một con số nói lên nhiều điều.