Tình hình Afghanistan: Ngân hàng mở cửa trở lại, người dân chờ nhiều tiếng đồng hồ vẫn không thể rút tiền

26/08/2021 12:11 GMT+7
Sau hơn một tuần đóng cửa vì tình trạng thiếu tiền mặt, hầu hết các ngân hàng ở Afghanistan đã mở cửa trở lại hôm 25/8.

Kể từ chiều 15/8, ngay trước khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn và Taliban tiến vào thủ đô, các ngân hàng và tổ chức tài chính ở Kabul gần như đã đóng cửa hoàn toàn. Ban đầu, việc đóng cửa là một phản ứng trước mối quan ngại về nguy cơ bất ổn, bạo loạn khi Taliban tiến vào Kabul. Nhưng nhiều ngày trôi qua, các nhà băng vẫn đóng cửa im lìm sau quyết định của Washington về việc cắt quyền tiếp cận của Ngân hàng Trung Ương Afghanistan với 7 tỷ USD vàng và tiền mặt dự trữ của Ngân hàng này đang nằm trong Cục Dự trữ Liên bang Fed. Trước áp lực của Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đóng băng 460 triệu USD đáng lẽ được phân bổ đến Afghanistan trong tuần này.

Việc các ngân hàng đóng cửa diễn ra vài ngày sau khi hàng chục nghìn người dân thủ đô đổ xô đến các nhà băng, cây ATM để rút tiền mặt trước khi Taliban tiến vào Kabul. Trong một nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tiền mặt như Afghanistan, việc thiếu hụt tiền giấy dù chỉ trong vài ngày cùng với sự sụp đổ của chính quyền do phương Tây hậu thuẫn đã gây nên sự hoang mang kéo dài nhiều ngày với người dân.

Tình hình Afghanistan: Ngân hàng mở cửa trở lại, người dân chờ nhiều tiếng đồng hồ vẫn không thể rút tiền - Ảnh 1.

Tình hình Afghanistan: Ngân hàng mở cửa trở lại, người dân chờ nhiều tiếng đồng hồ vẫn không thể rút tiền (Ảnh: The Pakistan Daily)

Anh Massoud, 35 tuổi, người đã mắc kẹt ở Kabul 10 ngày qua mà không biết làm thế nào để nuôi sống gia đình ở tỉnh Kunduz cho hay anh có 20.000 Afghani Afghanistan (232 USD) trong ngân hàng từ khi còn phục vụ trong quân đội Afghanistan. Tuy nhiên, dù các ngân hàng có mở cửa trở lại từ hôm 25/8, việc rút tiền có thể mất tới vài ngày. Ngay trong ngày đầu tiên ngân hàng hoạt động trở lại, anh Massoud đã xếp hàng 4 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa đến lượt tiến vào quầy giao dịch. 

Một mối lo khác với anh Massoud lúc này là đảm bảo công việc để kiếm tiền trước khi trở lại Kunduz với gia đình. Khi công việc kinh doanh đình trệ do bất ổn xã hội, tình trạng mất việc ở Kabul đang ngày càng phổ biến.

Đứng cạnh Massoud là Abdul, một người bạn cùng đóng quân với Massoud tại Kabul khi cả hai còn phục vụ trong Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan. Ông Abdul cho hay khi Taliban nắm quyền, hầu hết Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan tự hỏi liệu đây có phải lần cuối cùng họ nhận lương hay không, và liệu họ có thể kiếm được nguồn thu nhập nào trong những tháng tới hay không.

Một số người Afghanistan cho hay họ có thể vay mượn người thân và đồng nghiệp những khoản nhỏ để chi tiêu nếu cần thiết, nhưng đây không phải biện pháp lâu dài. Trong khi đó, các văn phòng, công ty tư nhân tiếp tục đóng cửa và các liên doanh thương mại cũng dần vắng khách hàng kể từ khi Taliban nắm quyền. .

Lực lượng Taliban hiện vẫn chậm trễ trong việc mở lại các văn phòng chính phủ do chưa công bố cơ cấu lãnh đạo và quản lý chính thức. Tuần trước, Taliban khẳng định Bộ Tài chính sẽ đảm bảo các khoản thanh toán cho tất cả công chức Afghanistan, nhưng nhiều người trong chính phủ vẫn hoài nghi về lời hứa của nhóm này. Một nhân viên tại Bộ Tài chính trả lời phỏng vấn tờ Al Jazeera rằng anh ta đã rời nhiệm sở kể từ khi Taliban tiếp quản Kabul 10 ngày trước, và không rõ liệu có bị sa thải hay không.

Đầu tuần này, Taliban đã bổ nhiệm ông Mohammad Idris làm quyền thống đốc Ngân hàng Trung ương, nhưng việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ là một chặng đường dài đối với một quốc gia nhiều bất ổn như Afghanistan lúc này. 

Các cố vấn kinh tế và chuyên gia quan sát nhận định hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ, IMF và mới nhất là World Bank sẽ gây áp lực lớn lên tình hình tài chính của đất nước khi Taliban nắm quyền. Chắc chắn Afghanistan sẽ phải chật vật để xây dựng lại niềm tin đầu tư cũng như tái gia nhập thị trường toàn cầu. Không chắc tình trạng thiếu tiền mặt sẽ kéo dài bao lâu, khi các đám đông vẫn chờ nhiều giờ đồng hồ bên ngoài các chi nhánh ngân hàng và cây ATM ở Kabul để rút tiền. Tại một số điểm, sau thời gian dài chờ đợi, đám đông đã bắt đầu đập phá cửa vào ngân hàng dẫn đến tình trạng lộn xộn khó kiểm soát. 

Có người thậm chí đã ví tình trạng lộn xộn ở các ngân hàng tương tự như những gì đã diễn ra ở sân bay quốc tế Hamid Karzai International tại Kabul, khi đám đông hàng ngàn người tụ tập bên ngoài lối vào sân bay để tìm cách lên các chuyến bay tị nạn rời đi.


NTTD
Cùng chuyên mục