HoREA đề xuất 2 phương án thu, quản lý quỹ bảo trì chung cư
HoREA vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Theo đó, HoREA kiến nghị sửa đổi Điều 108 Luật Nhà ở theo hướng bãi bỏ quy định thời điểm người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì khi nhận bàn giao nhà, vì tại thời điểm này, người mua nhà đã phải thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, sẽ làm tăng gánh nặng tài chính trong lúc chưa phát sinh yêu cầu sử dụng đến kinh phí bảo trì.
Kiến nghị kể từ thời điểm Hội nghị nhà chung cư đã bầu được Ban quản trị, thì các chủ sở hữu chung cư sẽ đóng kinh phí bảo trì 2% được chia đều trong thời hạn 60 tháng để làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu chung cư và hợp lý hơn.
HoREA cũng kiến nghị 02 phương án về việc thu chi quỹ bảo trì. Phương án 1, ban quản trị chung cư chịu trách nhiệm thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quyết định của hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, cần quy định cơ chế và cả biện pháp chế tài để ban quản trị chung cư thực hiện được nhiệm vụ này, đi đôi với phát huy tinh thần hợp tác của các chủ sở hữu chung cư.
Phương án 2, Quỹ bảo trì chung cư 2% rồi cũng sẽ được sử dụng hết trong khoảng 15-20 năm. Sau đó, theo quy định của pháp luật thì các chủ sở hữu chung cư sẽ tiếp tục bỏ tiền bảo trì chung cư để đảm bảo an toàn và chất lượng sống. Nhưng việc huy động tiền của các hộ dân chắc chắn rất khó.
Điển hình là 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, Nhà nước đang dùng ngân sách để thực hiện công tác bảo trì chung cư, và đang thực hiện Chương trình cải tạo, xây dựng lại để tái định cư cho các hộ dân. Từ thực tiễn này, HoREA kiến nghị xem xét phương án giao cho Công ty Dịch vụ Công ích thu, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Về sử dụng kinh phí bảo trì HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 107 Luật Nhà ở về việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư. Cụ thể, Quỹ bảo trì chỉ để bảo trì các phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm: Hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, sàn, mái, sân thượng, tường chịu lực), tường bao ngôi nhà, hành lang, cầu thang bộ, đường thoát hiểm.
Đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư, bao gồm: Nhà sinh hoạt cộng đồng, thang máy, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện (bao gồm máy phát điện), cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa, chiếu sáng công cộng... thì đề nghị sử dụng kinh phí quản lý vận hành chung cư hàng tháng để thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì.
Đối với tường ngăn chia căn hộ thuộc sở hữu chung của các chủ căn hộ liên quan thì các bên tự bỏ kinh phí để thực hiện công tác bảo trì (nếu có).
Trước đó, Theo Bộ Xây dựng, hiện đang có 3 luồng ý kiến về vấn đề thu quỹ bảo trì chung cư: Thứ nhất là vẫn giữ theo quy định hiện hành, quan trọng là quản lý và sử dụng sao cho công khai, minh bạch; Thứ 2 là bỏ không thu nữa; Thứ 3 là sau 5 năm nhận nhà mới thu.
Trong 3 phương án, Bộ Xây dựng ưu tiên phương án 1 vì cho rằng điều quan trọng là phải có biện pháp quản lý công khai, minh bạch quỹ này, đặc biệt là cơ chế giám sát từ ban quản trị.
Đại diện Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết về quản lý quỹ bảo trì chung cư 2%, Bộ Xây dựng đã tổ chức kiểm tra và làm việc với hai thành phố Hà Nội, TP.HCM. Bên cạnh đó, bộ cũng nhận được báo cáo của 40 địa phương về các vấn đề liên quan tới quỹ bảo trì, và quản lý vận hành nhà chung cư.
Theo kế hoạch, cuối tháng 4 này Bộ Xây dựng sẽ có buổi giải trình trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về vấn đề này. Còn việc bỏ hay không bỏ, bộ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đề xuất trên xuất phát từ những tranh chấp thực tế giữ chủ đầu tư với cư dân tại nhiều tòa nhà trên cả nước./.