Khánh Hòa: Vốn chính sách đồng hành cùng người dân vùng cao phát triển
Là một huyện miền núi với điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, chính vì đó mà huyện Khánh Sơn xác định chuyển vốn ủy thác của NHCSXH cho các đối tượng là rất cần thiết. Qua 5 năm tổng dư nợ qua các chương trình đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2017 đạt trên 141 tỷ đồng, năm 2018 đạt trên 168 tỷ đồng và đến nay đạt 221,8 tỷ đồng.
Được biết, gia đình chị Bo Bo Thị Cúc, đồng bào dân tộc Raglai thuộc thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp trước đây thuộc diện khó khăn của địa phương. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn NHCSXH nên gia đình chị đã có cuộc sống no ấm và trở thành tấm gương sáng phát triển kinh tế của địa phương. Đến nay, gia đình chị phát triển mô hình trồng keo, bưởi da xanh, mía tím, nuôi bò khá bài bản và bình quân cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Khánh Sơn khẳng định, việc triển khai nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng rất hợp với lòng dân và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay giảm nghèo.
Ông Hưng cho biết thêm, trong thời gian qua địa phương luôn quán triệt, phổ biến sâu rộng nội dung kết luận số 06–KL/TW ngày 10/6/2021 và Chỉ thị số 40-CT/22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức,…
Theo ông Hưng, cán bộ tín dụng là người luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân và hướng dẫn cho người dân làm ăn thông qua những mô hình kinh tế có hiệu quả. Mặc khác, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng với các cấp hội, đoàn thể và chính quyền nên hầu hết người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể.
Theo lãnh đạo NHCSXH huyện Khánh Sơn, với nguồn vốn chuyển tải kịp thời đã góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân và tạo công ăn việc làm cho bà con các hộ nghèo, cận nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang.
Qua tìm hiểu của PV, mặc dù năm nay tình hình dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp và đặc biệt sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của ngân hàng đã giúp cho nhà nông vượt qua khó khăn. Sau khi thu hoạch, nhiều bà con trồng sầu riêng xã Sơn Bình, Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp có thu nhập hàng trăm triệu đồng.