Khó khăn về vốn, Bộ GTVT đề nghị "trả" tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi cho Hà Nội
Bộ GTVT đang triển khai giai đoạn 1 dự án, tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng khu tổ hợp Ngọc Hồi nên khó hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2024.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội có ý kiến về chủ trương thực hiện đối với tổng thể dự án tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
Trường hợp được Thủ tướng chấp thuận báo cáo Quốc hội, cho phép Bộ GTVT tạm thời điều chỉnh kế hoạch vốn đối ứng năm 2019 (phần còn lại chưa giải ngân) để giải phóng mặt bằng của dự án giai đoạn 1 (khu tổ hợp Ngọc Hồi) cho các dự án khác của ngành GTVT, nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân trong khi chờ Quốc hội có ý kiến.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp tục là cơ quan chủ quản đầu tư đối với các hạng mục công trình đường sắt quốc gia thuộc giai đoạn 1 (khu tổ hợp Ngọc Hồi). Các hạng mục còn lại thuộc khu tổ hợp Ngọc Hồi (các khu chức năng, công trình liên quan đến đường sắt đô thị) và đoạn tuyến từ Ngọc Hồi đến Yên Viên, sẽ chuyển giao nhiệm vụ chủ quản đầu tư cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận để tiếp tục triển khai đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ (về tiêu chuẩn, công nghệ áp dụng…) của dự án cũng như đồng bộ với các dự án khác đang triển khai, tạo thuận lợi trong việc điều hành, kết nối với hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002, tuyến metro số 1 Yên Viên- Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỉ đồng, được phân kỳ thành 3 giai đoạn.Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, dự án lại có thêm 3 lần phân chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư.
Hiện tại, tuyến metro số 1 gồm các dự án thành phần: giai đoạn 1 điều chỉnh; giai đoạn 2 A điều chỉnh và giai đoạn 2 B.Tổng mức đầu tư các dự án toàn tuyến metro số 1 đã lên tới khoảng 81.537 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay sau 17 năm, dự án vẫn chưa được chính thức khởi công.