Khó thu hút vốn PPP vào dự án giao thông vì Nhà đầu tư bị "lép vế"

12/10/2023 11:49 GMT+7
Mặc dù Luật PPP đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tuy nhiên, các dự án giao thông vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa và cần sớm có các giải pháp tháo gỡ kịp thời, đẩy mạnh kết cấu hạ tầng.

Theo Điều 82 của Luật PPP, doanh nghiệp thu phí hoàn vốn nếu vượt 132% thì phải chia sẻ 50% cho Nhà nước, nhưng nếu doanh nghiệp sụt giảm doanh thu dưới 50% thì phải trình quá nhiều cấp và huy động nguồn để bù đắp thiếu hụt doanh thu đó.

Nêu ra khó khăn trong việc huy động vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng giao thông tại Tọa đàm "Doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải với sự nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hội nhập quốc tế", ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng: "Huy động nguồn vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng rất khó".

Khó thu hút vốn PPP vào dự án giao thông vì Nhà đầu tư bị "lép vế"  - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Ảnh: Việt Hùng

"Chính vì vậy, cần khơi thông nguồn vốn PPP, xã hội hóa vào đầu tư là điều cần thiết", ông Khôi nhấn mạnh.

Theo ông Khôi, giai đoạn 2011 - 2015 và 2015 - 2020, các dự án giao thông huy động tốt nguồn vốn PPP nhưng đến nay lại không huy động được là do cơ sở pháp lý. Luật PPP đưa ra tương đối đầy đủ nhưng thực hiện về phía các nhà đầu tư thường "lép vế" so với cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Khôi nêu ra trường hợp cụ thể tại các điều khoản điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá trong Luật PPP đều có quy định nhưng không được thực hiện và muốn thực hiện thì phải xin qua nhiều cấp.

"Nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng nhiều khi phía cơ quan quản lý Nhà nước lại nghĩ rằng cách quản lý như 1 nhà thầu", ông Khôi nhấn mạnh về vai trò của nhà đầu tư.

Cũng theo ông Khôi, Dự án PPP cũng là tiền của Nhà nước, doanh nghiệp cần được nhiều quyền quản lý để dự án nhanh hơn. Điều đó được chứng minh bằng dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Công ty Phương Thành chỉ làm trong 24 - 33 tháng, trong khi nếu dự án làm theo đầu tư công thì không có dự án nào dưới 4 - 5 năm. Doanh nghiệp đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, kỹ thuật thi công đảm bảo chất lượng, hiệu quả chung cho doanh nghiệp và xã hội.

Một khó khăn nữa trong hút nguồn vốn PPP nữa, đó là ngoài tiềm lực nhà đầu tư bỏ ra 15 - 30% so vốn chủ sở hữu, còn lại là vay từ 70 - 85% vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, nguồn vốn vay Ngân hàng sẽ không chịu rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu, đây là việc rất khó khăn. Ngân hàng rất cảnh giác nhà đầu tư nên cần tính toán nguồn thu trả nợ thì họ mới cho vay. Do đó, cơ quan tư vấn, thiết kế cần 'chạy sát' với phương án tài chính, thời gian thu phí dao động khoảng 15-20 năm, nếu quá lâu thì ngân hàng cũng… vẫy tay chào.

Khó thu hút vốn PPP vào dự án giao thông vì Nhà đầu tư bị "lép vế"  - Ảnh 2.

Nhà đầu tư "lép vế" khi tham gia đầu tư dự án giao thông. Ảnh: Thế Anh

Về phía cơ quản quản lý, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục đường Cao tốc Việt Nam cho biết, các dự án BOT giao thông luôn có vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp xây lắp phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Đối với trường hợp dự án không đủ doanh thu, ông Thành cho hay: "Các ngân hàng rất quan ngại dự án PPP sẽ rủi ro đồng thời siết lại tín dụng dài hạn nên tác động trực tiếp đến nguồn vốn của các nhà đầu tư. Mặt khác, chúng ta có tổ chức các quy hoạch giao thông, có đường song hành đã dẫn đến phân lưu lượng xe, làm giảm doanh thu và không hấp dẫn nhà đầu tư PPP giao thông.

Nêu ra ý kiến về những khó khăn nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cam kết Bộ GTVT sẽ xem xét, nghiên cứu để có những giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó có một chương về đường cao tốc, đề nghị các doanh nghiệp là những người thực hiện trong thực tế cần tập trung nghiên cứu để có những góp ý, bộ sẽ xem xét, tiếp thu để hoàn thiện cho phù hợp.


Thế Anh
Cùng chuyên mục