Kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 12 làn xe
Theo đó, tuyến đường cao tốc này được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng.
Giai đoạn 1 là đoạn An Phú - Long Thành với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu; Giai đoạn 2 hoàn chỉnh đoạn từ An Phú - Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.
Tuy nhiên, ngay khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình phương án 3 tuyến đường chính kết nối TP.HCM và các địa phương khác với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có cao tốc .HCM - Long Thành - Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất mở rộng đoạn từ TP.HCM - Long Thành lên khoảng 10 - 12 làn xe, và nhận định nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu.
Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết theo nhiệm vụ được giao thì đơn vị sẽ đảm nhận đầu tư hệ thống giao thông trong cảng ở khu vực 5 ngàn ha Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 2 đầu chờ từ đường giao thông tiếp cận để đấu nối với đường Biên Hòa - Vũng Tàu (quốc lộ 51), bên kia nối với đường vành đai 4.
Cũng theo kiến nghị của ACV, khi xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn từ TP.Biên Hòa đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần phải làm lớn hơn, bởi đây là trung tâm logistics lớn nên đường kết nối rất quan trọng.
Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với việc xây dựng đường riêng cho sân bay, và thực tế có thể giai đoạn này chưa cần thiết phải làm với quy mô lớn, nhưng phải có quy hoạch sẵn đất để sau này đầu tư. Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ngay bây giờ cần phải quy hoạch hệ thống giao thông cho sân bay với lưu lượng 100 triệu hành khách/năm không chỉ giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm.
Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai cho biết hiện tuyến đường đã được tỉnh và Bộ Giao thông - vận tải xác định hướng tuyến và đưa vào quy hoạch. Các điểm kết nối với quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã được xác định. Đây là tuyến đường trực tiếp đi từ sân bay ra quốc lộ 51 hiện nay.
Theo đó, dự án này do Bộ Giao thông - vận tải đầu tư. Kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai vừa qua cũng đã thông qua quy hoạch tuyến đường này. Về thiết kế xây dựng tuyến đường, Bộ Giao thông - vận tải cho biết sẽ theo phương án ưu tiên đường vào sân bay để không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, tuy nhiên cũng phải đảm bảo tính kết nối với hệ thống giao thông khác trong khu vực.
Song song đó, khi triển khai xây dựng dự án sân bay, cũng là lúc phải thực hiện xây dựng luôn 3 tuyến đường gom xung quanh dự án này. Cụ thể là các tuyến đường: Cầu Mên; Bàu Cạn - Suối Trầu - Cẩm Đường và đường ấp 2, xã Suối Trầu.
Ngoài ra, UBND huyện Long Thành cũng vừa đề xuất tỉnh sớm bố trí gần 940 tỷ đồng để thực hiện 2 tuyến đường trọng điểm của huyện là đường Long Phước - Phước Thái và tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường.
Trong đó, tuyến đường Long Phước - Phước Thài dài 8,6km, điểm đầu dự án giao với hương lộ 12 Bà Ký và điểm cuối giao với quốc lộ 51. Tổng vốn đầu tư của tuyến đường này trên 528 tỷ đồng. Tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường dài 22km, có điểm đầu dự án giao với đường ranh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và điểm cuối dự án giao với hương lộ 10 và đường Vành đai 4. Tuyến đường này có tổng kinh phí đầu tư gần 410 tỷ đồng.
Được biết, hầu hết các tuyến đường này đều tiếp giáp với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vùng đô thị sân bay trong tương lai.