Kinh doanh than trái phép: Lời bất chính khủng, chế tài xử lý chưa đủ răn đe

10/04/2019 17:32 GMT+7
Bộ Công Thương thừa nhận, lợi nhuận bất chính thu được từ hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép lớn; chế tài xử lý hành vi khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép chưa đủ tính răn đe.

 

Hoạt động kinh doanh than trái phép còn diễn ra tại nhiều địa phương.

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2018.

Báo cáo cho thấy, tại tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đã có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng qua kiểm tra và xem xét báo cáo của các sở, ban, ngành tỉnh cho thấy vẫn còn có một số tồn tại.

Cụ thể, có sự chồng chéo giữa ranh giới quản lý tài nguyên của một số đơn vị thuộc TKV, Tổng công ty Đông Bắc với một số dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh gây khó khăn cho hoạt động sản xuất than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Công tác kiểm soát, quản lý than đầu nguồn tại một số nơi, một số thời điểm còn chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác quản lý về nguồn than.

Một số điểm khai thác được điều chỉnh, bổ sung về sản lượng khai thác, mở rộng hoặc thu hẹp ranh giới, kéo dài thời gian khai thác… theo Quy hoạch phát triển ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác theo quy định. 

Một số dự án đầu tư thăm dò, xây dựng mở mới và cải tạo mở rộng mỏ đang hoạt động của ngành than trong thời gian qua (2016-2018) chưa đạt tiến độ theo Quy hoạch đề ra.

Kết quả kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trong năm 2018 như sau: số vụ kiểm tra là 414 vụ (gồm các hành vi như lập bến bãi tập kết than trái phép, vận chuyển than trái phép, thu gom than trái phép…) tịch thu tang vật gồm 116 phương tiện, thiết bị; số lượng than tịch thu khoảng 14.377 tấn; số tiền xử phát là hơn 1.765 tỷ đồng; số đối tượng bị xử lý là 261 người.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khối lượng xít thải rất lớn (phát sinh do quá trình khai thác, chế biến than), tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường trong khi thị trường có nhu cầu sử dụng mặt hàng xít than để phục vụ cho một số các cơ sở sản xuất (nung vôi, làm phụ gia xi măng…). Tuy nhiên, các đơn vị ngành than chưa có giải pháp công nghệ chế biến thành các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường để tiêu thụ, góp phần thu hồi triệt để giá trị của tài nguyên khoáng sản.

Tại Hải Phòng, đa số các bãi tập kết, chế biến than có hồ sơ đất đai sử dụng sai mục đích; một số bãi tập kết, chế biến than chưa có các văn bản về môi trường, phòng chống cháy, nổ của cấp có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt theo quy định. 

Trong khi đó, tại Hải Dương, có khoảng 77 cơ sở kinh doanh than nằm rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã nhưng có 42/77 cơ sở nằm ngoài Quy hoạch tổng thể mạng lưới kinh doanh than trên địa bàn. Mặc dù tỉnh đã có Quy hoạch mạng lưới kinh doanh than nhưng công tác kiểm tra, kiểm soát của chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế; kiểm tra xử lý những vi phạm tại các điểm kinh doanh ngoài quy hoạch còn thiếu kiên quyết, biện pháp xử lý chưa đủ mạnh hoặc chưa xử lý dẫn đến việc phát triển các điểm kinh doanh than tự phát quá nhiều. 

Tại Bắc Giang, một số doanh nghiệp được kiểm tra như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Minh Thắng Bắc Giang chưa cung cấp được Hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật; Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Giang chưa hoàn thành một số thủ tục pháp lý liên quan đến thuê đất, giải phóng mặt bằng để phục vụ đổ thải đất đá trong quá trình khai thác; chưa hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu vực đã giải phóng mặt bằng để đổ thải.

Ngoài ra, tại Thái Nguyên, doanh nghiệp được kiểm tra là Công ty thương mại Thái Hà Hưng chưa cung cấp được hồ sơ bảo vệ môi trường (báo cáo kết quả quan trắc môi trường; bản cam kết bảo vệ môi trường; hợp đồng thu gom và xử lý chất thải nguy hại…) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lý giải nguyên nhân của những tồn tại, Bộ Công Thương cho rằng, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ tài nguyên giữa một số đơn vị ngành than với cơ quan chức năng tỉnh và chính quyền địa phương, đặc biệt là tài nguyên chưa khai thác tại một số điểm còn chưa chặt chẽ, kịp thời.

Việc sắp xếp, quản lý địa điểm kinh doanh than, hệ thống bến cảng, kho bãi thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến phát triển các bến xuất nhận than, kho bãi chứa than quá nhiều, không tuân thủ theo quy định (Hải Dương) hoặc địa phương có hoạt động kinh doanh than nhưng chưa ban hành quy định về quản lý bến cảng, kho bãi kinh doanh than (Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng).

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng thừa nhận, lợi nhuận bất chính thu được từ hoạt động khai thác, kinh doanh than trái phép lớn; chế tài xử lý hành vi khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép chưa đủ tính răn đe.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng than trong nước biến động không theo dự báo, một số thời điểm ngành than gặp khó khăn do cạnh tranh với than nhập khẩu, tồn kho cao, ngành than phải cắt giảm đầu tư; giảm sản lượng khai thác để giảm tồn kho và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh chung.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục