Lãi to nhờ nuôi đại gia súc quy mô lớn
Nhờ khuyến khích phát triển các vùng chăn nuôi đại gia súc tập trung quy mô lớn, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn TP Hà Nội tăng nhanh những năm qua.
Từ chính sách hỗ trợ 100% tinh bò để lai tạo giống bò BBB trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội có điều kiện nâng cao chất lượng giống và tăng lợi nhuận.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm. Trong đó có 12 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm với tổng đàn gần 11.200 con, chiếm 79,5% tổng đàn bò sữa toàn thành phố.
Sản lượng sữa tươi sản xuất đạt gần 83 tấn/ngày, chiếm 82,6% tổng sản lượng sữa toàn thành phố; giá sữa bình quân tại 12 xã là 12.500 đồng/kg.
Trên địa bàn thành phố hiện có 98 hộ chăn nuôi bò sữa quy mô trên 10 con bò sữa với tổng số 1.645 con thì có 45 hộ nuôi bò hướng sữa, 48 hộ nuôi bò hướng thịt, 5 hộ nuôi cả bò hướng sữa và hướng thịt.
Với chăn nuôi bò thịt trọng điểm đang triển khai thực hiện ở 15 xã với 22.689 con/11.405 hộ, chiếm 17,5% tổng đàn bò thịt toàn thành phố, trong đó số hộ chăn nuôi trên 5 con là 271 hộ. Khởi nghiệp năm 2015 bằng nghề nuôi lợn, anh Lương Bá Anh nhiều lần trắng tay do giá cả bấp bênh và dịch bệnh. Khi dịch tả châu Phi bùng phát, đàn lợn chết trắng chuồng, anh đã chuyển đổi sang nuôi bò.
Trung bình, để cung cấp đủ thức ăn cho một con bò thì cần phải có 1 sào ruộng Bắc bộ để trồng cỏ. Hiện nay, anh Anh đã thuê được 5 mẫu ruộng để nâng đàn khoảng 40 – 50 con trong thời gian tới.
Anh Lương Bá Anh (xóm 5, xã Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội), chia sẻ: “Bình thường tôi nuôi khoảng 10 – 15 con bò thì thu nhập mỗi năm cũng được 120 – 130 triệu”.
Để chủ động nguồn giống, nhiều gia đình vừa nuôi bò sinh sản, vừa nuôi bò thịt. Nhờ đó, giá trị kinh tế càng được nâng cao. Những hộ có điều kiện kinh tế và nhiều đất trồng cỏ sẽ tập trung đầu tư nuôi bò sữa. Còn hộ gia đình ít đất và ít vốn hơn sẽ chăn nuôi bò thịt, hay còn gọi là bò đỏ. Bởi sức đề kháng của bò đỏ cao hơn so với bò sữa.
Chị Nguyễn Thị Vinh – Khu 5, xã Minh Châu, Ba Vì, Hà Nội cho biết: Thời gian nuôi bò “đỏ” (bò thịt) từ khi mới sinh đến lúc xuất bán là 2 năm. Thời điểm được giá, mỗi con bò bán được 45 triệu đồng, còn bò BBB nuôi 2 năm có thể đạt 55 triệu đồng/con. Như năm ngoái nhà tôi nuôi 25 con bò, lợi nhuận mỗi năm đạt hơn 200 triệu đồng.
Từng làm nghề phụ hồ cho các công trình xây dựng, người con trai của bà Nguyễn Thị Lân (khu 6, xã Minh Châu) đã thấm thía những cơ cực khi ly hương cầu thực. Bởi vậy, khi gia đình chuyển đổi từ nuôi lợn sang chăn bò sữa, thanh niên này đã về quê lập nghiệp. Sau nhiều năm đầu tư phát triển, đến nay đàn bò của gia đình đã lên tới 47 con, cho thu nhập ổn định mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Những năm qua, Công ty Vinamilk thu mua sữa ổn định cho bà con với giá cao, lợi nhuận mỗi năm gia đình thu được trên 1 tỷ đồng. Sau 10 năm tập trung chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, tổng đàn bò toàn xã Minh Châu phát triển mạnh. Tổng đàn bò toàn xã hiện đạt 4.250 con, trong đó, bò cái sinh sản khoảng 2.700 con, bò sữa có 1.150 con.
Đàn bò thịt được phát triển bằng các giống chất lượng cao và lai tạo để nâng cao sản lượng thịt như: bò Limosin, bò BBB và hiện nay đang lai tạo, phát triển giống bò Wagyu của Nhật Bản.
Ông Nguyễn Danh Đạt, Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết: Tính riêng năm 2019, thu nhập từ bán sữa, bò và bê thịt các loại, toàn xã Minh Châu thu được trên 70 tỷ đồng. Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò ngày càng trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của người dân xã Minh Châu, mang lại thu nhập cao cho nông dân.