Lập TP.Thủ Đức, giải quyết các tồn đọng ra sao?

27/12/2020 07:18 GMT+7
Sau khi làm việc với Quận ủy Q.2, hôm qua (26/12), Thường trực Thành ủy TP.HCM làm việc với Quận ủy Q.9 và Quận ủy Q.Thủ Đức về việc thành lập TP.Thủ Đức.
Lập TP.Thủ Đức, giải quyết các tồn đọng ra sao? - Ảnh 1.

Một phần không gian đô thị TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Hồ sơ gia tăng trước ngày sáp nhập

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Q.9 Trần Văn Bảy thông tin những ngày gần đây, lượng hồ sơ hành chính trên địa bàn Q.9 tăng đột biến, vì người dân và doanh nghiệp muốn giải quyết dứt điểm hồ sơ, giấy tờ trước khi bộ máy mới của TP.Thủ Đức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, đơn thư khiếu nại cũng gia tăng.

“Cán bộ, công chức phải làm thêm giờ, giải quyết tất cả các hồ sơ... Quận cũng đã chấn chỉnh cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trong giai đoạn chuyển tiếp này không được “tranh thủ” dẫn đến sai sót, lọt sổ”, ông Bảy nói.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, dự báo sẽ cực kỳ khó khăn nhưng quan điểm của TP.HCM là hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, cũng như hạn chế tối đa thiệt thòi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Q.Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường báo cáo một số việc còn tồn đọng kéo dài, trong đó có hàng loạt dự án “treo” cần tập trung giải quyết khi lập đơn vị hành chính mới.Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Q.9 Lâm Đình Thắng đề xuất 14 nội dung, mà đầu tiên là bộ máy chính quyền TP.Thủ Đức cần có kế hoạch, giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi các giấy tờ liên quan. Ông Thắng cũng đề nghị cần tiếp tục giải quyết các vụ việc khiếu nại liên quan đến các dự án đã triển khai; đồng thời sớm có phương án xử lý đối với các dự án đã quy hoạch nhiều năm nhưng chưa triển khai thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, bởi thực tế ở Q.9 có dự án “treo” hơn 20 năm.

Miễn phí chuyển đổi giấy tờ

Một vấn đề đặc biệt được quan tâm, đó là khi sáp nhập 3 quận 2, 9, Thủ Đức để lập TP.Thủ Đức với số lượng người dân hơn 1 triệu người, thì hồ sơ cần giải quyết rất lớn, trong khi trụ sở hành chính dồn về một chỗ sẽ chật chội, bộ phận một cửa liên thông liệu có đáp ứng được hay không...

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết đã trình UBND TP.HCM kế hoạch triển khai Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Theo khoản 2, điều 8, Nghị quyết 653 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì việc sắp xếp đơn vị hành chính trong 60 ngày. Như vậy, từ ngày 1.1.2021 đến ngày 1.3.2021 là thời gian chuyển tiếp. Trong thời gian này, các quận, phường vẫn phải giải quyết thủ tục hành chính bình thường cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù chưa xác định thời điểm nào cụ thể để người dân liên quan có thể bắt đầu chuyển đổi giấy tờ sang TP.Thủ Đức, nhưng ông Nhân khẳng định sẽ không thu phí việc chuyển đổi này; các giấy tờ của người dân vẫn còn hiệu lực và chưa có nhu cầu chuyển đổi thì sử dụng bình thường. Riêng các đơn vị hành chính có thể chủ động theo điều kiện thực tế để có phương án hỗ trợ phù hợp trong việc giải quyết hồ sơ ngoài giờ hành chính.

Liên quan đến việc kiện toàn bộ máy, ông Nhân đề nghị 3 quận tạm dừng bầu, bổ nhiệm các chức danh; trừ trường hợp không có cấp trưởng và cấp phó để giải quyết công việc thì sẽ được bố trí. Về số lượng cán bộ, công chức sau khi sáp nhập, trước mắt TP.HCM sẽ sắp xếp theo phương án nhập cơ học đối với cấp phó và công chức, còn cấp trưởng thì sẽ được tính toán phù hợp theo yêu cầu, nhiệm vụ của bộ máy mới.

Đối với trụ sở các cơ quan sau khi sáp nhập, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.Thủ Đức tạm thời sử dụng hệ thống cơ sở vật chất hiện có chứ không xây mới. “Không có động thái xây dựng mới nào cả, nếu không sẽ tạo sự phản cảm trong nhân dân ngay tức khắc. Khi chuyển từ quận sang TP, cái lợi ích trước mắt chưa thấy mà xây dựng tòa nhà này, trụ sở kia thì đó là việc không nên làm”, ông Phong nói.

“Bây giờ chỉ có làm chứ không bàn ra”

Về đề xuất hủy bỏ các dự án “treo”, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết UBND TP.HCM đã chỉ đạo rà soát hơn 2.300 dự án trên toàn địa bàn để xử lý theo quy định. Vừa qua, UBND TP.HCM đã hủy bỏ 108 dự án và HĐND TP.HCM hủy bỏ 61 dự án chậm triển khai.

Lập TP.Thủ Đức, giải quyết các tồn đọng ra sao? - Ảnh 3.

Trụ sở UBND Q.2 dự kiến sẽ trở thành trụ sở Thành ủy TP.Thủ Đức

Ông Thắng thông tin số hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại 3 quận nói trên là rất lớn, nên nếu không chủ động sẽ ách tắc, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, Sở TN-MT ưu tiên hàng đầu trong giải quyết các công việc liên quan đến triển khai các dự án tại 3 quận này. Sở cũng đã có kế hoạch cụ thể về việc sáp nhập chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 3 quận để thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức.

Về vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở QH-KT lập quy chế quản lý kiến trúc tạm thời, những khu vực có quy hoạch ổn định thì lập kế hoạch kêu gọi đầu tư; đồng thời thu hồi ngay lập tức các dự án “treo”, tháo gỡ vướng mắc các dự án còn dang dở để tạo sự chuyển động về hạ tầng nhằm nâng cao đời sống người dân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, phải đảm bảo thông suốt giải quyết hồ sơ hành chính cũng như các vụ việc khiếu nại của người dân, đồng thời thực hiện các bước chuyển giao trách nhiệm quản lý giữa các đơn vị hành chính.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, khẳng định: “Việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP.Thủ Đức đã có pháp lý đầy đủ nên bây giờ chỉ có làm chứ không bàn ra”.

Theo ông Nên, sau 23 năm tách huyện Thủ Đức thành 3 quận (từ tháng 4.1997), các quận chuẩn bị tâm thế bước sang giai đoạn mới với những nhiệm vụ mới. Trong giai đoạn chuyển tiếp, dự báo sẽ cực kỳ khó khăn nhưng quan điểm của TP.HCM là hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, cũng như hạn chế tối đa thiệt thòi cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

“Có việc (liên quan thành lập TP.Thủ Đức - PV) đã hình dung và cũng có việc chưa thể hình dung hết, nhưng nếu hành động thì sẽ có kết quả”, ông Nên nói và yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng phải thể hiện đầy đủ, xuyên suốt trách nhiệm giải quyết thủ tục, công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Cần 41.660 tỉ đồng cho 5 năm tới

Sở QH-KT vừa trình UBND TP.HCM đề án hình thành và phát triển Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông (thuộc không gian đô thị của TP.Thủ Đức trong tương lai - PV) giai đoạn 2020 - 2035, trong đó đề ra nhiều mục tiêu trong 3 giai đoạn.

Trong giai đoạn khởi tạo (2020 - 2022), TP.HCM lập định hướng khung phát triển và chiến lược, xây dựng cơ chế - tổ chức, xác định nhóm ngành ưu tiên, hoàn thiện cơ chế tổ chức chính sách phát triển cho từng khu vực trong phạm vi 100 ha, tập trung chính vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Thủ Thiêm, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trong giai đoạn triển khai (2022 - 2030), TP.HCM đặt mục tiêu phát triển diện tích 500 ha, triển khai thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tàu triển khai đầu tư chiến lược. Ở giai đoạn hoàn thiện, chiến lược đầu tư sẽ được mở rộng đối với tất cả các nhóm ngành kinh tế, xây dựng chính sách lan tỏa phát triển toàn khu vực phía đông và vùng phụ cận.

Điểm đáng chú ý của đề án là TP.HCM xác định bộ máy chịu trách nhiệm và nhân sự chủ chốt lập và phát triển dự án tổng thể và các dự án thành phần Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM, có thể theo sát dự án mà không bị gián đoạn bởi nhiệm kỳ. Để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM xác định nhu cầu vốn trong khu vực nhà nước ước tính sơ bộ cần 41.660 tỉ đồng. Nguồn vốn trên sẽ được đầu tư cho hạ tầng giao thông với 30.000 tỉ đồng, hạ tầng chống ngập hơn 6.400 tỉ đồng, chuyển đổi số 4.400 tỉ đồng, còn lại phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo và nghiên cứu quy hoạch, dự án, chính sách...

Theo Sỹ Đông
Cùng chuyên mục