Lộ diện ngân hàng thứ 4 hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố hoàn thành triển khai tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II - Quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP – Trụ cột 2). Trụ cột 2 được ngân hàng hoàn thành sớm gần một năm so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. MSB cũng đồng thời là một trong số những ngân hàng tiên phong hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.
Như vậy, với sự gia nhập của MSB, tính tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 4 ngân hàng công bố hoàn thành triển khai 3 trụ cột (gồm: yêu cầu vốn tối thiểu, rà soát giám sát và nguyên tắc thị trường) của Basel II là: VIB, VPBank, TPBank và mới đây nhất là MSB.
Trước đó, vào tháng 7/2019, ngân hàng này đã triển khai thành công trụ cột 1 và trụ cột 3 của Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đảm bảo hệ số an toàn vốn được tính toán tự động hoá với mức CAR luôn đạt trên 9%.
MSB đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống chính sách quản trị rủi ro, cơ sở dữ liệu, bộ máy nhân sự và kế hoạch vốn nhằm đảm bảo ngân hàng quản trị và tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo như quy định.
Ngay sau đó, MSB tiếp tục triển khai nội dung quan trọng của trụ cột 2 Basel II, đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP). Đây là công cụ đánh giá toàn diện về vốn từ việc xác định hồ sơ rủi ro của ngân hàng, xây dựng chiến lược, khẩu vị rủi ro, tính toán mức vốn yêu cầu cho các rủi ro trọng yếu trong mọi điều kiện kinh doanh. Từ đó, ngân hàng xác định được vốn mục tiêu đảm bảo bù đắp cho các rủi ro trọng yếu và phát triển bền vững kể cả trong tình huống có diễn biến bất lợi, đồng thời phân bổ vốn hiệu quả cho trong hoạt động kinh doanh - lợi nhuận mang lại tương ứng với mức độ rủi ro (RORWA).
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hoàn thành ICAAP – trụ cột cuối cùng của Basel II về quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ là nguồn thông tin minh bạch và toàn diện giúp nâng cao uy tín của MSB trên thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Quyền Tổng giám đốc MSB cho biết: "Việc hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II là tiền đề và động lực để MSB tiếp tục hướng tới các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế cao hơn như Basel III. Điều này cũng giúp MSB quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững".
Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của ngân hàng, lên kế hoạch triển khai áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính, IFRS9 trong hoạt động tài chính và quản trị rủi ro