Lo sợ làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, Bắc Kinh chỉ thị tăng nhập nông sản Mỹ

17/05/2020 15:11 GMT+7
Chính phủ Trung Quốc mới đây yêu cầu các công ty chế biến thực phẩm tăng cường lượng hàng dự trữ ngũ cốc và hạt có dầu trong bối cảnh mối quan ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát ngày càng lên cao.
Lo sợ làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, Bắc Kinh chỉ thị tăng nhập nông sản Mỹ - Ảnh 1.

Trước đó, hồi đầu năm, Trung Quốc đã miễn thuế hàng loạt mặt hàng nông sản Mỹ bao gồm đậu nành để mở đường tăng nhập nông sản

Thông điệp mới nhất phát đi từ Bộ Thương mại Trung Quốc những ngày gần đây đều khuyến khích các thương nhân cũng như các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tăng cường nhập khẩu khối lượng lớn đậu nành, ngô…; theo 3 nguồn tin quen thuộc của Reuters.

Một nhà quản lý làm việc tại một trong những công ty chế biến thực phẩm hàng đầu Trung Quốc cho hay chính phủ Bắc kinh đang lo ngại về những rủi ro với chuỗi cung ứng một khi làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát trên toàn cầu. Theo nguồn tin này, các nhà chức trách cấp cao Trung Quốc đã có cuộc thảo luận về việc tăng mua thực phẩm, giữ nguồn cung ở mức cao để tránh nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến xấu đi. “Tình hình có vẻ không tốt lắm ở Brazil” - hiện là nhà cung cấp đậu nành chính của Trung Quốc, nơi số ca nhiễm Covid-19 hiện đã vượt qua cả Tây Ban Nha và Italy.

Một nguồn tin khác của Reuters tại Trung Quốc cũng nhấn mạnh Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiến hành các cuộc gặp gỡ, thảo luận với một số công ty nhà nước về việc đảm bảo nguồn cung đậu nành khi dịch bệnh bùng phát ở Nam Mỹ.

Khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, thuế quan trả đũa từ chính quyền Bắc Kinh lên hàng nông sản Mỹ đã buộc các nhà nhập khẩu Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung mới. Brazil do đó vươn lên thành nhà cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc, với sản lượng đậu nành khổng lồ và mức giá rẻ hơn tương đối nhờ không bị áp thuế. Tuy nhiên, các lô hàng đậu nành xuất khẩu của Brazil đã giảm mạnh trong tháng 3, tháng 4 bởi thời tiết mưa lớn cũng như các biện pháp ngăn chặn kiểm soát dịch Covid-19 trong nước. Lượng đậu nành dự trữ lưu kho của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức thấp.

Dù đến đầu tháng 5 qua, các lô hàng đậu nành Brazil đã tăng trở lại, nhưng nhà chức trách vẫn tỏ ra cảnh giác với nguy cơ gián đoạn tiếp theo nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trước mắt, hai tập đoàn nông sản thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc là COFCO và Sinograin hiện đã đẩy mạnh nhập khẩu đậu nành và ngô từ Mỹ trong những tuần gần đây.

Một báo cáo cho thấy các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc đã ký hợp đồng mua khoảng 240.000 tấn đậu nành Trung Quốc hồi đầu tuần trước. Các lô hàng sẽ được chuyển đến Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7 tới. Bắc Kinh cũng tăng phân bổ hạn ngạch nhập khẩu cho những nhà nhập khẩu ngũ cốc trong nỗ lực tăng cường nguồn cung ngũ cốc trong nước.

Động thái này của Trung Quốc một phần là do áp lực nhập khẩu nông sản Mỹ theo cam kết đã ký trong thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1. Thỏa thuận này đòi hỏi Trung Quốc tăng mua 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm, trong đó 32 tỷ USD là hàng hóa nông sản. Hồi tuần trước, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ lật lại cam kết của Trung Quốc trong một, hai tuần tới xem liệu chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có đang thực hiện đầy đủ nội dung thỏa thuận hay không.

Dữ liệu kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ cũng xác thực thông tin các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tăng cường mua đậu nành, với tổng khối lượng 374.000 tấn đậu nành vụ mùa mới đã được đặt hàng cho đến nay, tức lớn hơn 6 lần so với mức nhập khẩu trung bình 60.000 tấn trong cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc hiện cũng đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung thịt đáng kể sau khi dịch tả lợn Châu Phi càn quét 1/3 đàn lợn trong nước. Do đó, các nhà quan sát dự kiến kim ngạch nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ cũng sẽ tăng mạnh dù sự bùng phát dịch Covid-19 ở Mỹ đang khiến các lò mổ và nhà máy chế biến thịt buộc phải cắt giảm sản lượng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục